Gia đình trong "mùa" giãn cách
(ABO) Không biết từ bao giờ, sau khi kết thúc một ngày làm việc, buổi chiều tối được mặc định là khoảng thời gian để một số đàn ông giải trí với các cuộc hẹn ra sân làm vài set tennis, hay đến các quán nhậu, nhà hàng để… làm vài chai bia.
Thế nên chiều tối, dạo một vòng thành phố, dễ dàng bắt gặp cảnh đông đúc, tấp nập ở các quán nhậu từ bình dân đến các nhà hàng hải sản, bất kể ngày thứ hay cuối tuần. Và đối nghịch với những khuôn mặt hớn hở ấy nơi bàn tiệc là biết bao ánh mắt người vợ, bao đứa trẻ thơ thẩn thờ chờ chồng, chờ cha về để cùng quây quần bên mâm cơm gia đình đã nguội lạnh từ lâu.
Rồi những cuộc chờ ấy đôi khi phải kết thúc vì không thể chờ được nữa, bữa cơm tối của gia đình đành thiếu người trụ cột trong nhà. Vì thế, bữa cơm tối lẽ ra là nơi để chia sẻ buồn vui, nơi để quan tâm, chăm sóc cho nhau, nơi để mọi thành viên trong gia đình cảm nhận sự ấm áp, yêu thương dành cho nhau, bỗng trở nên lặng lẽ.
Khoảng trống nơi chiếc ghế của người chồng, người cha hay ngồi trong những bữa cơm gia đình khó mà lấp đầy trong ánh mắt của các thành viên còn lại trong gia đình. Điều đáng buồn, đó không phải là cá biệt, mà ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại.
Gia đình yêu thương, hạnh phúc, xã hội sẽ phát triển, văn minh. Ảnh: TL |
Chính vì vậy, có năm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để phát động trên toàn quốc với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm.
Việc dành hẳn một ngày để tôn vinh mái ấm gia đình Việt là cần thiết, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đến gia đình và việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2021) năm nay có chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với gia đình.
Năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam rơi đúng vào thời điểm nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có Tiền Giang. Bỏ qua hết những bất tiện, thiệt hại về kinh tế, xã hội…, mặt tích cực của giãn cách xã hội không chỉ mang lại hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19, mà còn khiến cho các thành viên trong gia đình có thời gian bên nhau nhiều hơn, có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc cho nhau hơn. Và vì vậy, những bữa cơm trong gia đình cũng ấm áp hơn vì không có chiếc ghế nào phải bỏ trống.
Chắc chắn rằng thời gian giãn cách rồi cũng sẽ qua. Điều đọng lại ở mỗi người khi qua đợt giãn cách sẽ là những câu chuyện riêng, nhưng tựu trung có lẽ là sự gắn kết hơn, chia sẻ hơn giữa các thành viên trong gia đình. Mong rằng những điều tốt đẹp mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau trong “mùa” giãn cách sẽ tiếp tục được duy trì. Bởi gia đình là nơi để về, để thắp lên tin yêu, để trao cho nhau hy vọng, cùng nhau vượt qua khó khăn, chung tay vun bồi hạnh phúc.
Gia đình yêu thương, hạnh phúc, xã hội sẽ phát triển, văn minh!
THIÊN LÊ