.

TP. Mỹ Tho: "Quả ngọt" từ xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 10:29, 05/03/2020 (GMT+7)

Qua 9 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành nhiệm vụ, diện mạo nông thôn thành phố đã thay đổi rất nhiều.

Lễ công bố xã Thới Sơn đạt chuẩn NTM.
Lễ công bố xã Thới Sơn đạt chuẩn NTM.

Sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo quy mô hộ gia đình nhỏ, lẻ; vườn tạp hiệu quả kinh tế thấp; 4/6 xã có mô hình kinh tế hợp tác với 7 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông ngư nghiệp - nông thôn và 1 quỹ tín dụng nhân dân (xã Tân Mỹ Chánh).

Việc xây dựng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết các ngành hàng nông sản có lợi thế mới bước đầu hình thành. Lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển đồng bộ. Đó là thực trạng của các xã vùng ven thành phố trước khi xây dựng NTM.

TỪ KHÓ KHĂN

Cơ sở hạ tầng nông thôn của thành phố thời điểm năm 2011 chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, lầy lội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Mạng lưới điện nông thôn chủ yếu là lưới điện 1 pha nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa ở nông thôn.

Trên địa bàn 6 xã có 19 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; trong đó chỉ có 3 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Thành phố đã phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động xây dựng NTM. Cụ thể, thành phố vận động người dân tự nguyện hiến trên 65.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn với tổng trị giá trên 85 tỷ đồng; đóng góp trên 75 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn; vận động 9,5 tỷ đồng để chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng 393 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng 197 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ vốn cho gần 192.800 lượt hộ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền 719,9 tỷ đồng... Các hoạt động thiết thực trên đã giúp 1.917 hộ thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Một số trường cơ sở vật chất đã xuống cấp, thiết bị dạy học không đầy đủ phục vụ cho công tác giảng dạy. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế của 6 xã là 47,13%.

Các Trạm Y tế xã cần được đầu tư nâng cấp để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Thời điểm này chỉ có 2/6 xã đã được xây dựng Nhà văn hóa đạt chuẩn là xã Tân Mỹ Chánh và Đạo Thạnh, còn khu thể thao thì các xã đều chưa có. Có 36 ấp trên tổng số 40 ấp có điểm sinh hoạt văn hóa, nhưng một số điểm còn nhỏ hẹp, không đủ diện tích và cơ sở vật chất để phục vụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao.

Vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều vấn đề cần phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng như một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất còn xả nước thải, chất thải cao hơn giới hạn cho phép; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý chưa đạt theo quy định; nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm…

Đời sống người dân còn không ít khó khăn. Cụ thể, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của các xã gần 12 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở nông thôn 3,58% (trong đó xã thấp nhất 2,72% và xã cao nhất 6,1%); tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động khu vực nông thôn 42,86%.

ĐẾN HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NTM

Nhận thấy việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ là một hệ thống giải pháp có tính quyết định thúc đẩy phát triển toàn diện về sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn của các xã, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện xây dựng NTM.

Công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố thực hiện thường xuyên gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thành phố cũng phát động và duy trì có hiệu quả chuyên đề thi đua “Mỹ Tho chung sức xây dựng NTM”…

Bên cạnh đó, thành phố tổ chức nhiều lớp khuyến công, khuyến nông và dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Đồng thời, mở rộng đào tạo các ngành nghề mới, tổ chức mở rộng quy mô các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn để tạo thêm việc làm cho người lao động. Cùng với đó là khuyến khích, tạo điều kiện thành lập mới các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn.

Với sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đến nay các tuyến đường giao thông được mở mới, nâng cấp, mở rộng theo đồ án quy hoạch NTM của các xã, hình thành nên hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ, trong đó 100% đường xã và trên 85% đường ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm...

Hệ thống thủy lợi của các xã đáp ứng đủ nhu cầu nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Kinh tế nông thôn có bước phát triển, các mô hình kinh tế hợp tác từng bước phát huy hiệu quả.

Đến cuối năm 2019, tỷ lệ người lao động có việc làm ở khu vực nông thôn đạt 91,58%, tăng 48,72% so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã của thành phố (không tính đối tượng bảo trợ xã hội) là 0,99%; giảm 2,59% so với năm 2011.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 53 triệu đồng/năm, tăng 4,6 lần so với năm 2011. Tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn “3 cứng” theo quy định của Bộ Xây dựng ở các xã đạt 89,86%; không có nhà tạm bợ, dột nát.

Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay thành phố có 6/6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và đều giữ vững đạt 19/19 tiêu chí NTM. Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Mỹ Tho Đặng Thanh Liêm cho biết, có được kết quả trên là nhờ thành phố đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng NTM. Cùng với đó là kết hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, sắp xếp ưu tiên tiêu chí thực hiện trước tiêu chí thực hiện sau, tiêu chí nào người dân thực hiện, tiêu chí nào Nhà nước đầu tư thực hiện theo lộ trình phù hợp với tình hình của xã.

Đồng thời, thành phố thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đang triển khai ở địa phương với sự đóng góp của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

NHẤT THI

.
.
.