Thứ Ba, 22/04/2014, 10:45 (GMT+7)
.

2 bản di chúc, bản nào có hiệu lực?

Anh Trần Anh Tuấn (Bình Đông, TX.  Gò Công) hỏi: Bà nội tôi năm nay 81 tuổi. Năm 2012, bà làm di chúc (viết giấy) để lại cho cô Năm (cô ruột của tôi) thừa kế căn nhà mà bà và cô đang ở. Năm 2013 bà lại viết di chúc để lại căn nhà cho con trai của chú Ba tôi (tức cháu nội của bà). Vậy 2 bản di chúc đó bản nào có hiệu lực? Cô tôi có thể đi kiện đề nghị bà nội và gia đình chú Ba thực hiện đúng di chúc ban đầu hay không?

Sở Tư pháp trả lời:  Theo các điều 631 và 648 của Bộ luật Dân sự (BLDS), bà nội của bạn có quyền để lại di chúc định đoạt tài sản của mình, giao tài sản cho con, cháu hay người nào khác tùy ý bà.

Điều 636 của BLDS quy định: Người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc chỉ phát sinh quyền, nghĩa vụ thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế, tức thời điểm người để lại di chúc chết. Thế nên, khi bà nội của bạn vẫn đang còn sống thì di chúc bà cho cô Năm căn nhà trên chưa phát sinh hiệu lực.

Điều 652, BLDS quy định di chúc được xem là hợp pháp khi đảm bảo: Người lập di chúc minh mẫn, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép khi viết di chúc; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội và hình thức di chúc cũng không trái quy định của pháp luật.

Tại Điều 662 BLDS, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau. Nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Theo Điều 667, BLDS khi 1 người để lại nhiều bản di chúc đối với 1 tài sản thì bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.

Chính vì vậy, cô Năm của bạn không có quyền kiện yêu cầu bà nội phải thực hiện di chúc ban đầu, vì việc thay đổi di chúc, định đoạt tài sản là quyền của bà nội bạn - chủ sở hữu tài sản.

Sau này, trong trường hợp bà nội của bạn đã mất, nếu có bằng chứng xác thực cho rằng bà nội bạn viết bản di chúc sau (năm 2013) trong tình trạng không còn minh mẫn, bị ép buộc… thì cô Năm có quyền kiện đề nghị tòa án xem xét hủy bỏ bản di chúc sau vì không hợp pháp để công nhận hiệu lực của bản di chúc ban đầu.

TỔ CTBĐ

.
.
.