Thứ Năm, 07/05/2015, 14:09 (GMT+7)
.

Nỗi niềm gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Được

Tôi đã 3 lần về xã Bàn Long, huyện Châu Thành, lần nào cũng được ông Sáu Chịa (Nguyễn Thanh Sơn), một cán bộ lão thành cách mạng của xã dẫn đi tìm gặp các nhân chứng để tìm hiểu về nỗi bức xúc của gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Được.

Các nhân chứng chỉ phần đất của gia đình Mẹ VNAH Đặng Thị Được bị ông Trần Văn Long chiếm đoạt.
Các nhân chứng chỉ phần đất của gia đình Mẹ VNAH Đặng Thị Được bị ông Trần Văn Long chiếm đoạt.

Gia đình mẹ là một trong những gia đình cách mạng tiêu biểu của xã Bàn Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà mẹ có tất cả 10 người thì có 7 người hy sinh, trong đó 4 người được công nhận liệt sĩ gồm: Chồng mẹ - ông Trần Văn Đỏ và 3 người con là Trần Văn Mạnh, Trần Văn Niêm, Trần Văn Hòa. Còn 2 đứa cháu nội của mẹ là Trần Văn Trì và Trần Văn Quýt (con ông Trần Văn Mạnh) lúc đó còn nhỏ, mồ côi cả cha lẫn mẹ nên được người cô ruột (Trần Thị Vân) đưa về xã Nhị Quý nuôi dưỡng.

Theo lời kể của các nhân chứng, ông Trần Văn Đỏ là cán bộ Nông hội xã Bàn Long. Căn chòi cất trên mảnh ruộng của ông Đỏ có cả hầm bí mật, là nơi hội họp của các cán bộ cách mạng.

Ngày 18-4-1968, bọn biệt kích sư đoàn 9 Mỹ đột kích vào bao vây căn chòi bắn chết 5 người và bắt sống 4 người. Trong 5 người bị địch bắn chết có ông Trần Văn Niêm, du kích xã (con của ông Trần Văn Đỏ, chú ruột của ông Trì, ông Quýt). Trong 4 người bị địch bắt sống có ông Trần Văn Đỏ. Lục soát căn chòi, phát hiện thấy hầm bí mật, bọn biệt kích Mỹ đã dã man lôi ông Đỏ (chủ nhà) ra bắn chết tại chỗ  - ông Trần Văn Trạch, người bị địch bắt trong trận này kể lại.

Nỗi đau chưa nguôi thì ngày 9-9-1968 bọn Mỹ dùng máy bay đổ quân xuống đánh điểm vào ấp Long Hòa A. Trên mảnh đất từng thấm máu của cha và em mình, 2 anh em ông Trần Văn Mạnh, Ủy viên BCH Nông hội xã và ông Trần Văn Hòa, du kích xã lại kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Cuối năm 1968, đang làm ruộng, bà Đặng Thị Được - là bà nội của ông Trì, ông Quýt và mẹ ruột là Lê Thị Biếu cùng đứa em trai lại bị pháo Mỹ bắn chết. Chỉ trong năm 1968, trên mảnh đất của gia đình mình, những người thân ruột thịt của ông Trì, ông Quýt lần lượt ngã xuống. Có chồng và 3 người con là liệt sĩ, bà Đặng Thị Được được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trần Văn Quýt lớn lên, năm 1982 mới 19 tuổi đã tiếp bước ông, cha lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trong thời gian Trần Văn Quýt đang tại ngũ (năm 1982 - 1989), ở quê nhà, ông Trần Văn Long (em ông Trần Văn Đỏ) đã đứng tên kê khai phần đất của anh ruột mình (là phần đất thừa kế của Trần Văn Quýt) cho riêng mình nhằm mục đích chiếm đoạt về sau.

Trích lục hồ sơ lưu trữ, các cấp, các ngành trong tỉnh đều thống nhất nhận định: “Nguyên trước giải phóng, ông Trần Văn Đỏ và ông Trần Văn Long được cha là ông Trần Văn Liễn cho mỗi người một phần đất với diện tích 3.500 m2 đất ruộng và 5.000 m2 đất vườn (hai phần đất giáp ranh nhau, tọa lạc tại ấp Long Hòa A, xã Bàn Long, huyện Châu Thành).

Tháng 4-1968, ông Đỏ chết, đến tháng 9-1968 vợ ông Đỏ là Đặng Thị Được cùng con là Trần Văn Mạnh và dâu là Lê Thị Điếu bị Mỹ bắn chết. Lúc này các con của ông Mạnh và bà Điếu còn nhỏ (Trần Văn Trì và Trần Văn Quýt) được cô ruột đem về xã Nhị Quí, huyện Cai Lậy nuôi dưỡng, phần đất trên bỏ hoang. Sau năm 1975, do thấy phần đất của anh mình là Trần Văn Đỏ vẫn bỏ hoang nên ông Trần Văn Long mới canh tác, sử dụng”.

Năm 1989, Thượng úy Trần Văn Quýt hoàn thành nhiệm vụ phục viên trở về quê, có đến xin lại phần đất của gia đình mình, nhưng ông chú ruột là Trần Văn Long không chịu giao trả. Ông Quýt buộc lòng làm đơn khiếu nại xin lại đất, đáng tiếc là: “Hồ sơ khiếu nại được UBND xã Bàn Long chuyển đến Phòng Tiếp dân huyện Châu Thành, nhưng không có cơ quan chức năng nào giải quyết và sau đó bị thất lạc”?

đến ngày 22-5-2002, UBND tỉnh mới ra Quyết định 1583/QĐUB, bác đơn khiếu nại của ông Trì và ông Quýt về việc xin lại phần đất trên, chỉ vì: “Trong quá trình canh tác gia đình ông Long đã đăng ký, kê khai và làm nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước và trực tiếp canh tác từ năm 1975 đến năm 1998, xem như Nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng đất đối với hộ ông Long”.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Long sử dụng không ổn định, vì từ năm 1989 ông Trần Văn Quýt đã có đơn khiếu nại, tranh chấp nhưng chưa được cơ quan chức năng nào giải quyết. Mặt khác, gia đình ông Đỏ hy sinh gần hết, bản thân Trần Văn Quýt lớn lên tham gia nhập ngũ bảo vệ biên giới của Tổ quốc nên không có điều kiện canh tác, kê khai phần đất của gia đình mình. Vì vậy, mảnh đất từng thấm máu của ông, cha, mẹ và bà nghiễm nhiên thuộc về tay ông Trần Văn Long một cách “hợp pháp”?

Tiếp xúc với các nhân chứng, những người cao niên và một số cán bộ lão thành cách mạng ở ấp Long Hòa A, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến khá bức xúc, trong đó 6 lần họp chi bộ đều có biên bản đề nghị cấp trên giải quyết trả lại đất cho gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Được.

Ông Nguyễn Văn Lình, nguyên Bí thư Xã Bàn Long (giai đoạn 1976 - 1978) không chỉ phê phán tính tham lam của ông Trần Văn Long, mà còn tỏ thái độ không đồng tình với những quyết định chưa hợp tình, hợp lý của các cấp chính quyền khi quyết định bác bỏ khiếu nại chính đáng của Trần Văn Quýt và của gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Được về việc xin lại mảnh đất đã từng thấm máu của ông cha mình.

Ông Lình đặt vấn đề, ruộng và vườn của gia đình ông Đỏ và của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Được không phải là đất hoang. Sau khi gia đình ông Đỏ chết, chúng tôi và du kích xã vẫn gieo sạ để có lúa gạo ăn, bám trụ giữ đất, nên không thể nói là ông Trần Văn Long về khai hoang để sử dụng. Vả lại, trong khi gia đình ông Đỏ kiên cường chiến đấu bám trụ thì gia đình ông Long chạy tản cư ra vùng giặc chiếm đóng. Việc ông Long tản cư trở về chiếm đất của anh mình mà không chịu giao trả cho con cháu là điều không thể chấp nhận được.

Còn ông Lê Văn Dũng, Trưởng ấp Long Hòa A cho biết: “Từng chứng kiến, đứng ra hòa giải vụ khiếu nại này, tôi khẳng định ông Long đã có phần đất của riêng mình, còn phần đất của ông Đỏ, khi ông Mạnh chết phải thuộc về cháu nội là Trần Văn Quýt”. Bà Lê Thị Lạc và ông Trần Văn Minh là những người trong thân tộc cũng khẳng định: “Việc làm của ông Trần Văn Long là cố tình chiếm đoạt đất của con cháu, trái với đạo lý ở đời”.

Quyết định 1583/QĐUB, ngày 22-5-2002 của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, nên ông Trì và ông Quýt không còn biết kêu cứu vào đâu. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã sai thì sửa, quyết định của UBND tỉnh chưa hợp tình, hợp lý, có dấu hiệu oan sai thì thiết nghĩ sự việc của gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Được cần được đưa ra xem xét lại.

Nhóm PV.CTXH

.
.
.