Thứ Tư, 25/07/2012, 13:17 (GMT+7)
.

Hai linh hồn bất tử

Sau Tết Mậu Thân (năm 1968), Mỹ - ngụy điên cuồng phản kích, ào ạt bình định cấp tốc khắp thành thị và nông thôn miền Nam. Đặc biệt, tại tỉnh Mỹ Tho, địch huy động mọi lực lượng, phương tiện hiện đại đàn áp, đánh phá tàn bạo, dã man vào huyện Chợ Gạo.

Chúng hằn học: Phải diệt sạch Việt cộng nơi đây trong thời gian ngắn nhất. Hằng ngày chúng xua quân tắm máu những người yêu nước và đồng bào Chợ Gạo vô tội.

Liệt sĩ, Anh hùng LLVT Lê Thị Chi (trái) và Lê Thị Ngọc Tiến. Ảnh: Ngọc Lệ. Liệt sĩ Lê Thị Chi.
Liệt sĩ, Anh hùng LLVT Lê Thị Chi (trái) và Lê Thị Ngọc Tiến. Ảnh: Ngọc Lệ

Sáng sớm ngày 8-4-1972, một đại đội thám báo ngụy bất ngờ ập vào một cứ nhỏ của ta tại xã Hòa Định, nơi Ban Dân y đang chăm sóc hàng chục thương binh sau trận dội bom pháo tan nát địa hình.

Lực lượng của ta tuy ít nhưng đã kiên cường bám trụ, phủ bão lửa lên đầu chúng, diệt nhiều tên. Sau nhiều giờ chiến đấu, ta hy sinh 7 đồng chí, chỉ còn lại 1 người. Riêng cán bộ, y sĩ, y tá Ban Dân y quyết tâm, dũng cảm che chở, đưa thương binh xuống các hầm bí mật an toàn và di dời cất giấu thi hài các liệt sĩ trong mưa bom bão đạn của địch.

Sau khi đưa hai thương binh xuống hầm bí mật an toàn, y sĩ Lê Thị Chi và y tá Lê Thị Ngọc Tiến lao nhanh xuống hầm bí mật. Bọn địch tràn tới bất ngờ, giẫm sụp nấp hầm bí mật của hai chị. Chúng xúm lại xồng xộc cạy nắp hầm lôi chị Chi và Tiến lên mặt đất vào lúc 10 giờ trưa ngày 8-4-1972.

Bầy ác ôn đè hai chị xuống đất trói ké, xồng xộc lôi các chị đi. Đến đám rẫy trống, chúng tập trung lại đấm đá, dùng gậy gộc, báng súng, lưỡi lê đâm, chém nát mình hai chị. Tên Son đầu sỏ ác ôn quấn chặt hai chị, đấm đá, nghiến răng, trợn mắt trắng dã gầm thét, cầm khúc cây to thẳng tay bổ vào đầu hai chị: “Tụi bây thấy hầm bí mật Việt cộng ở đâu chỉ ngay? Hai đứa bây là cán bộ Việt cộng cấp gì? Là con nhà ai? Ở đâu? Đi Việt cộng từ bao giờ?...”.

Sau đó, cả chục tên dùng tầm vông, báng súng đánh thình thịch vào hai chị. Hai thân hình mảnh mai oằn oại nằm trong vũng máu. Hai chị nghiến răng chịu đựng, ngất đi rồi cố tỉnh lại để đối phó, để chiến thắng kẻ thù cực kỳ hung hãn. Từ xa, đồng bào nhìn rõ hai chị phun máu vào mặt lũ sát nhân. Bà con chạy lướt qua nơi địch tra tấn hai chị mà lòng đau buốt, nước mắt tuôn trào, nhưng không sao giải cứu được, đành giấu chặt hận thù vào tim mình.

Địch dùng mọi cực hình dã man nhất tra tấn hai chị. Hai chị không hé môi suốt buổi chiều hôm ấy, giữ vẹn lòng sắt son, bất khuất. Suốt một đêm dài rùng rợn, chúng thay nhau giở trò.

Sáng sớm ngày 9-4-1972, chúng trói chặt chân tay hai chị, xúm lại đè ngửa hai chị xuống đất sình, dùng dao găm Mỹ mổ bụng hai chị moi ruột gan bỏ ra đất, cắt hai cái mật về lãnh thưởng. Chị Chi tắt thở, nhưng đôi mắt thần còn chong vào bọn sát nhân lần cuối.

Chị Tiến cố lảo đảo đứng lên, ruột tuôn lòng thòng chấm đất, đưa đôi mắt thần trút căm thù cao độ lên đầu lũ giặc đang vây quanh. Chị bước nhẹ mấy bước, cất lên một tiếng hết sức thống thiết: “Mẹ ơi!” rồi chị ngã gục.

Tiếng gọi “Mẹ ơi!” của chị Tiến trong hơi thở cuối cùng của mình êm dịu, sâu lắng, đầy tình thương yêu bao la mênh mông hơn biển rộng trời cao… Hai chị hy sinh, song linh hồn bất tử như lời bài thơ:

Có những phút làm nên  lịch sử,
Có cái chết hóa thành bất tử,
Có những lời hơn mọi bài ca,
Có những người như chân lý sinh ra!
”.
                                                         (Tố Hữu)

Cây me
Cây me nơi bọn địch hành quyết 2 chị. Ảnh: Ngọc Lệ

Sau khi địch hành quyết hai chị Chi và Tiến, chúng canh giữ xác của hai chị hai ngày đêm để rình ai đến lấy thi hài hai chị chúng sẽ truy bắt. Trong đêm khuya ngày thứ 3, các đồng chí, gia đình và đồng bào bí mật tổ chức đưa thi hài hai chị về chôn cất.

Đồng bào xã Hòa Định dùng cây, lá dựng lên ngôi miếu thờ cúng tưởng niệm hai chị hàng ngày. Địch phá bỏ nhiều lần nhưng bà con dựng lại để tưởng niệm hai liệt nữ anh hùng suốt nhiều năm cho đến ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc.

***

Lúc sinh thời chị Chi, Tiến rất xinh đẹp, dịu hiền như hai bông hoa thơm rực rỡ; lao động giỏi và học giỏi từ thuở thiếu niên, được nhiều chàng trai quân giải phóng yêu thầm nhớ trộm nhưng hai cô nén gác lại “chuyện riêng tư” để lo phục vụ cách mạng.

Cuộc sống, công tác chuyên môn thời ấy cực kỳ thiếu thốn, gian khổ và ác liệt; hàng ngày phải lo chạy ăn từng bữa cho đơn vị và thương binh. Chị Tiến thường ngày đi tát mương, bắt tôm cá, hái rau dưới làn bom đạn về cải thiện bữa ăn cho thương binh.

Ngày đêm anh chị em y sĩ, y tá đâu có yên giấc, lo đào hầm bí mật, đào công sự, khiêng, cõng, che giấu thương binh lúc địch bắn phá, càn quét bất kể ngày đêm. Có lúc hai chị phải cầm súng, gài lựu đạn chống địch để bảo vệ cứ và thương binh. Chị Chi và Tiến chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng hai chị thực hiện rất trọn vẹn lời Bác dạy: “Lương y như từ mẫu”.

Bầy ác thú giết hai chị Chi và Tiến lãnh thưởng 6 lượng vàng. Chúng tổ chức ăn nhậu như điên. Tên Son sau tiệc nhậu trèo lên Honda vênh mặt lao ra lộ 24 ( Quốc lộ 50 hiện nay) bị xe tải cán nát đầu. Quả là trời cao có mắt!

Năm 2010, Lê Thị Chi và Lê Thị Ngọc Tiến được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.


LÊ NGỌC HÂN

(Lược ghi lời kể của đồng chí Thanh Hoàng, nguyên Trưởng ban Dân y Chợ Gạo)

.
.
.