Thứ Tư, 05/06/2019, 14:38 (GMT+7)
.

Cụ Nguyễn Văn Tố- tấm gương cao đẹp của một nhà trí thức yêu nước

Cụ Nguyễn Văn Tố bút hiệu Ứng Hòe, sinh ngày 5-6-1889 trong một gia đình nhà Nho tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương, nay là quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Cụ là một học giả nổi tiếng về văn hóa Việt Nam, uyên thâm cả văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.

Cụ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học như: Lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian...

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: Hàng đầu, từ trái sang phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng.     Ảnh: tư liệu
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: Hàng đầu, từ trái sang phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: tư liệu

CỤ NGUYỄN VĂN TỐ VỚI HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ

Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn, tiếp thu văn minh phương Tây, Nguyễn Văn Tố vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Từ nhân viên phụ tá, với tư chất thông minh hiếm có, cụ Nguyễn Văn Tố đã viết nhiều bài khảo cứu, nên được Giám đốc tín nhiệm và cho giữ chức Chủ sự Học viện, một cơ quan nghiên cứu lịch sử, văn hóa của người Pháp.

Từ đó, trên Kỷ yếu của Học viện (BEFEO) và các báo: Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ - xuất bản tại Hà Nội), Courrier d’Hai phong (Thư tín Hải Phòng - xuất bản ở Hải Phòng) xuất hiện tên tác giả Nguyễn Văn Tố với các bài khảo cứu về văn hóa dân tộc, văn học và lịch sử cổ trung đại bằng tiếng Pháp. Từ năm 1941 đến năm 1945 (từ số 1 đến số 212) của Tạp chí Tri Tân, Nguyễn Văn Tố đều có bài khảo cứu.

Trong những năm 1936 - 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phổ biến chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ mới.

Khi đó, trước vấn nạn mù chữ của dân tộc, cùng với yêu cầu thiết tha của nhân dân lao động thất học, các nhân sĩ trí thức cũng nhận thấy cần phải tiếp tục công cuộc truyền bá quốc ngữ, nên đã họp bàn để tiến đến thành lập hội chống nạn mù chữ.

Các trí thức tân học tiêu biểu như: Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu... đã mời Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội Trí Tri làm Hội trưởng Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ, với mục tiêu dạy cho người bình dân lao động mù chữ biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Là người có học thức uyên bác, trung thực, không màng danh lợi và khẳng khái nên Nguyễn Văn Tố rất có uy tín đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trí thức, thanh niên và cả đối với nhiều người Pháp.

Ông thuộc lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước lấy con đường hoạt động văn hóa, nâng cao dân trí làm sự nghiệp của mình và nỗ lực hết mình cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí của đất nước. Hội Truyền bá quốc ngữ và người Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chống nạn mù chữ, vì đã tổ chức được một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân.

Hội đã khơi dậy lòng nhiệt huyết của quần chúng, nhất là lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc về truyền thống hiếu học vốn đã có trong mỗi người Việt Nam; khơi dậy truyền thống hiếu học của quần chúng nhân dân gắn liền với lòng nhiệt huyết, sự hy sinh của các nhà trí thức yêu nước.

Trong suốt 7 năm lãnh đạo Hội (1938 -1945), hoạt động của Hội Truyền bá quốc ngữ đã đương đầu với không ít khó khăn, nhưng với vị thế và trọng trách của mình, Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã lãnh đạo Hội hoạt động đúng mục đích.

CÙNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH GÁNH VÁC VIỆC NƯỚC

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Nguyễn Văn Tố ra giúp nước, giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Trên cương vị là người đứng đầu Bộ Cứu tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã thực hiện nhiều chuyến công tác đến các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định…, chỉ đạo thành lập Hội Cứu đói để vận động đồng bào đóng góp lương thực ủng hộ người nghèo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Hồ Chủ tịch, thực hiện các biện pháp như “Hũ gạo tiết kiệm” và “Những ngày đồng tâm nhịn ăn”, kêu gọi đồng bào chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động các nhà tư sản, địa chủ ủng hộ tiền của, thóc gạo cứu đói cũng được chú trọng. Với sự đồng lòng của nhân dân cả nước cùng nhau chống giặc đói, đến cuối năm 1946 nạn đói đã bị đẩy lùi.

Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946, cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội (đại biểu tỉnh Nam Định). Ngày 2-3-1946, tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội, cụ được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội cho đến ngày 8-11-1946, cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế.

Trên cương vị mới, cụ đã có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết 2 bản Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9-1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Cụ còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhiều điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu thống trị nước ta một lần nữa. Mùa đông năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, cả nước đồng lòng, quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với trọng trách của mình, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc động viên đồng bào và chiến sĩ tham gia cuộc trường chinh gian khổ. Tháng 10-1947, trong một lần giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, cụ bị địch bắt và hy sinh.

Trong sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết rất cụ thể về sự hy sinh oanh liệt của cụ: Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược.

Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước có tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, cụ Nguyễn Văn Tố đọc rất nhiều và say mê viết, khảo cứu, nghiên cứu, xuất bản những “đứa con tinh thần” của mình cũng không ngoài mục đích truyền bá tri thức lịch sử, văn hóa, khoa học của Việt Nam và thế giới đến với quần chúng nhân dân, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, khai dân trí cho đồng bào mình.

Cụ là tấm gương về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách đạo đức sáng ngời để lại cho đời sau. Để tưởng nhớ công ơn và sự hy sinh to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố,  nhiều ngôi trường đã được mang tên cụ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.