Thứ Bảy, 13/02/2021, 08:50 (GMT+7)
.

Sức mạnh bó đũa

Năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Đầu năm, chúng ta phải đối mặt dịch Covid-19 với những tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội; những tháng cuối năm, bão lũ khốc liệt đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhân dân các tỉnh miền Trung. Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn như vậy, chúng ta càng nhìn thấy rõ sức mạnh quốc gia với truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau.

ATM gạo miễn phí hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
ATM gạo miễn phí hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cao cả nghĩa đồng bào

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, không chỉ trong năm 2020 mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thách thức lớn chưa từng thấy: đợt hạn hán kỷ lục gần 100 năm ở vùng ĐBSCL; sự cố môi trường Formosa; sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc; bão lũ gây ngập lụt ở miền Trung... Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng GDP hơn 1.200 tỷ USD trong gần 5 năm, trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Theo Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. 

Đã từ lâu, trong khó khăn, bài học câu chuyện bó đũa từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Tinh thần đó một lần nữa đã được khẳng định. 

Năm 2020 sẽ còn được nhắc đến với những câu chuyện xúc động lòng người. Phong trào “Người người làm việc thiện, Nhà nhà làm việc thiện, Ngành ngành làm việc thiện” đã được dấy lên trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch Covid-19. Từ quyên góp hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu phòng chống dịch, đến việc hỗ trợ người dân ở vùng bị cách ly hay người bị mất việc làm, không có thu nhập.

Từ việc Chính phủ tổ chức các chuyến bay cứu trợ đón công dân Việt Nam về nước đến quân đội mở cửa doanh trại đón và phục vụ người cách ly tận tình như người thân. Hay hình ảnh người dân giúp nhau từ chiếc khẩu trang, bánh mì, hộp cơm để đi qua mùa dịch... Tất cả đều thể hiện nghĩa đồng bào cao cả.

Trong thảm họa thiên tai, đại hồng thủy và sạt lở đất do mưa bão ở miền Trung, một lần nữa, nhân dân cả nước lại chung tay giúp đồng bào vượt qua cơn hoạn nạn. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ bộc bạch, hình ảnh người dân ở các bản làng vùng cao cùng nhau gói nấu bánh chưng; những người phụ nữ gửi cơm đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị thiên tai; hàng ngàn đoàn xe từ Bắc chí Nam chở nhu yếu phẩm ủng hộ miền Trung… cho thấy, truyền thống đoàn kết, tình nghĩa đồng bào của người dân đất Việt được lưu truyền hơn bao giờ hết.

Bài học đắt giá trong điều hành đất nước

Trong những ngày cả nước sát cánh phòng chống Covid-19, chúng tôi gặp đại diện hội cựu chiến binh, từng tham gia 3 cuộc chiến vệ quốc, đến Mặt trận Tổ quốc ủng hộ 100 triệu đồng. Nhiều người tóc đã bạc trắng, họ mặc quân phục chỉnh tề, đeo đầy huân chương, cùng mang từng đồng tiền chắt chiu của mình ủng hộ lực lượng chống Covid-19 ở tuyến đầu. 

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hoạt động từ thiện tự thân đã là một hành vi văn hóa cao đẹp và nhân đạo. Từ thiện là thước đo văn minh của một cá nhân, tổ chức và rộng hơn là một quốc gia dân tộc. Dân tộc ta có truyền thống “yêu nước, thương nòi”, “thương người như thể thương thân”… Truyền thống ấy càng được nhân lên, phát huy mạnh mẽ trong dịch Covid-19 và thảm họa thiên tai ở miền Trung vừa qua. Đó là tinh thần dân tộc vô cùng quý giá và đó cũng là nguồn lực rất quan trọng để đất nước vượt qua khó khăn, đứng vững trước mọi thách thức. 

Thực tế của năm 2020 đã mang đến những bài học rất giá trị trong quản lý, điều hành đất nước khi có biến cố. Một lần nữa, sức mạnh quốc gia từ truyền thống “thương người như thể thương thân” lại được nhân lên. Đó là tiền đề để chúng ta phải tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững đất nước, nhất là nguồn nhân lực với hơn 100 triệu người dân Việt trong và ngoài nước cần cù thông minh, nghị lực và yêu nước.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, mong rằng, Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ chọn phát triển kinh tế văn xã làm trụ cột, là khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước, để chúng ta có thể viết nên một câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới. Văn hóa Việt Nam sẽ tỏa sáng, soi đường, góp phần cho một Việt Nam thịnh vượng.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

.
.
.