Thứ Tư, 11/12/2013, 09:31 (GMT+7)
.

Học tập Bác Hồ đức tính cần, kiệm, liêm, chính

Mấy năm nay, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sau đó chuyển sang thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được sự hưởng ứng rộng rãi trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Nhiều gương điển hình tốt rất xứng đáng được các cấp lãnh đạo ghi nhận, biểu dương qua những lần sơ kết, tổng kết.

Hồi đầu năm nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức sơ kết, biểu dương 120 gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Họ đã trải qua quá trình phấn đấu và bình chọn nghiêm túc từ cơ sở, cần được phổ biến cho mọi người học tập.

Tuy nhiên, cho đến nay, trong nhận thức và cách làm vẫn còn nhiều điều chưa rõ, thậm chí lệch lạc. Nhiều người được biểu dương chỉ báo cáo được thành tích cao về chuyên môn hoặc làm từ thiện nhiều, mà chưa nói được mình học Bác Hồ ở những đức tính gì và những chi tiết trong bản thành tích của họ không liên quan nhiều đến những điều Bác Hồ dạy hoặc làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Chúng ta đều biết, Bác Hồ được thế giới tôn vinh là nhà yêu nước, là danh nhân văn hóa thì đương nhiên Bác là người năng động, sáng tạo, giỏi giang. Sinh thời Bác Hồ không yêu cầu mọi người phải năng động, sáng tạo, giỏi giang như mình, vì những phẩm chất, đức tính ấy không phải ai cũng có và không phải ai cũng làm được. Bác Hồ chỉ yêu cầu mọi người thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - điều mà ai cũng có thể làm được và đó cũng là cốt lõi của đạo đức Hồ Chí Minh. Trong thời bình, yêu nước cũng phải thể hiện qua những đức tính ấy, không thể khác được.

Trước họa ngoại xâm, ai dám cầm súng đánh giặc là yêu nước. Nay là thời bình, yêu nước phải thể hiện qua cần, kiệm xây dựng đất nước. Không thể coi một người xa hoa, lãng phí là yêu nước  (cho dù họ có giỏi giang). Bác Hồ yêu cầu nhân dân phải cần mẫn và tiết kiệm. Bác nói “cần mà không kiệm như gió vào nhà trống”, làm mà không có dư, chưa lo được cho mình thì cũng không giúp được gì cho xã hội.

Ngoài ra, Bác cũng yêu cầu mọi người phải biết giữ gìn sức khỏe, năng tập thể dục - thể thao để có sức khỏe tốt mà học tập, công tác, lao động sản xuất và góp phần bảo vệ nòi giống.

Đối với cán bộ, công chức, ngoài 2 đức tính cần, kiệm, còn phải liêm, chính, chí công vô tư. Bác yêu cầu cán bộ, công chức phải cần mẫn chăm lo việc công, không tiêu xài phí phạm công quỹ (khi không cần thì một que diêm cũng không nên đốt); phải giữ mình, không được tham lạm; làm việc thì phải ngay thẳng, không được giải quyết công việc tùy tiện theo cảm tình; phải biết hết lòng, hết sức vì nước, vì dân.

Cán bộ có trọng trách thì phải học theo phong cách gần dân, trọng dân của Bác. Học Bác Hồ là học những điều ấy. Chỉ có làm hay không làm theo Bác mà thôi, không có chuyện muốn làm mà không làm được những điều Bác dạy.

Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là điều gì mới mẻ. Khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã từng được nhắc nhở xuyên suốt mấy chục năm nay. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cách làm mới, có tập trung, có kiểm điểm nhằm góp phần khắc phục bệnh hình thức và tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà nói khác với “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” chỉ làm mơ hồ, phức tạp thêm trong nhận thức và sai lệch mục tiêu Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị.

NGÔ DUY THƯỢNG
(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)

.
.
.