Tiền Giang có những đóng góp to lớn nghệ thuật đờn ca tài tử
Sau giai đoạn sáng tạo và cải tiến từ nền âm nhạc miền sông Hương, núi Ngự, đờn ca tài tử ngày càng lan rộng trên khắp vùng nông thôn và thành thị ở Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng. Số người biết đờn, biết ca ngày càng đông, nhất là ở thôn quê, với hình thức tao nhã, tri âm tri kỷ.
Phong trào đờn ca tài tử đã nhanh chóng phát triển trên đất Tiền Giang với sức sống mãnh liệt. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, ngày nay đờn ca tài tử vẫn đường hoàng tồn tại. Hòa trong niềm phấn khởi khi bộ môn nghệ thuật đờn ca tài từ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS. Trần Văn Khê chia sẻ:
Phóng viên Báo Ấp Bắc phỏng vấn GS. Trần Văn Khê tại nhà riêng của ông. |
Đối với nghệ thuật đờn ca tài tử, mỗi một cái điệu, mỗi một cái hơi đều có cá tính riêng. Nếu người đờn không đúng gọi là lạc điệu. Người đờn lạc điệu không xứng đáng để chơi với nhau. Không phải muốn đờn hò, xự, xang, xê, cống thì muốn đờn như thế nào cũng được. Ví dụ đối với chữ xang: Chữ xang hơi Bắc, đờn kìm phải gằng, còn đờn tranh thì phải mổ; chữ xang hơi Quảng thì phải run nhè nhẹ; chữ xang hơi Xuân thì phải đi lên rồi trở về chữ xang…
Đờn ca tài tử còn có cái hay nữa, đó là không phải đờn nguyên si như mình học. Học thì học chân phương mà đờn thì đờn hoa lá (có nghĩa là thêm hoa thêm lá). Và trong khi đờn còn có cái ngẫu hứng trong đó. Mỗi một lần đờn có thể thay đổi và có nhiều cách thay đổi, bởi vì trong đờn còn có cái ngẫu hứng.
Từ đó, một bản chánh có thể biến ra những biến khúc. Tuy nhiên, sự thay đổi (biến khúc) không phải thay đổi như thế nào cũng được, nếu thay đổi không đúng thì thành ra lạc điệu. Ví dụ, đờn hơi Bắc mà thêm điệu hơi Ai vào thì không được.
* PV: Đờn ca tài tử có lối chơi phóng túng và biến hóa, đầy sáng tạo, tùy vào tâm trạng, cảm xúc của người chơi. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
* GS. Trần Văn Khê: Đờn ca tài tử chơi với nhau, khi phát triển và vận hành giai điệu, nó theo triết lý của người sống. Tức là dịch lý, có nghĩa trong cuộc sống mọi sự đều biến hóa (biến dịch). Tuy nhiên, có những cái không thay đổi, gọi là bất dịch. Và cũng có những cái gặp gỡ, trao đổi với người khác, gọi là giao dịch.
Trong đờn ca tài tử cũng vậy, cái bất dịch là cái lòng bản; biến dịch là những cái biến khúc và những cách đờn của mỗi người; cái giao dịch là khi gặp nhau phải thay đổi, chẳng hạn như khi gặp gỡ thì đờn kìm và đờn tranh phải có sự thay đổi: đờn kìm thì đờn tiếng chân phương, còn đờn tranh có những chữ song thanh bay bướm.
Có khi gặp cùng đờn với nhau thì người này nhường người kia rồi mình chạy theo bắt nhịp hoặc là có khi phụ họa, thay đổi nhịp nội, nhịp ngoại tùy theo cách đờn của mỗi người. Đó là nét đặc thù của đờn ca tài tử. Vì vậy, đờn ca tài tử tuy sinh sau đẻ muộn hơn các bộ môn nghệ thuật khác, nhưng nó có một cách chơi phóng túng, phát triển và đầy sáng tạo.
* PV: Những người am hiểu về nghệ thuật đờn ca tài tử cho rằng: Tiền Giang là cái nôi của đờn ca tài tử. Theo Giáo sư, nhận định ấy chắc chắn phải có nguyên do, cội rễ của nó?
* GS. Trần Văn Khê: Ở Tiền Giang có 2 gia đình là gia đình họ Trần ở Vĩnh Kim (họ nội của GS. Trần Văn Khê) và gia đình họ Nguyễn (họ ngoại của GS. Trần Văn Khê). Phía gia đình họ Trần có ông Trần Quang Thọ là một người nhạc cung đình Huế đi vào đất Tiền Giang lập nghiệp, dạy đờn Tỳ Bà rồi sinh ra ông Trần Quang Diệm (ông Năm Diệm) chuyên đờn Tỳ Bà.
Ông Trần Quang Diệm nghĩ ra cách ký âm đặc biệt, là người lập ra một trường phái của đờn ca tài tử tại Tiền Giang. Ông Trần Quang Diệm có nhiều người con, trong đó có 2 người là Trần Ngọc Diện và Trần Quang Triều (thân sinh của ông Trần Văn Khê) giỏi đờn ca tài tử.
Trần Ngọc Diện đờn Tranh giỏi và biết đờn Tỳ Bà, lập gánh hát Đồng Nữ Bang vào năm 1957, để lại vết son chói lọi cho đờn ca tài tử trên vùng đất Tiền Giang. Ông Trần Quang Triều (còn gọi là Bảy Triều) là người chuyên đờn Kìm và đờn Độc Huyền. Ông Trần Quang Triều là người đặt ra dây Tố Lan dùng để đờn Văn Thiên Tường và Tứ Đại Oán trong 20 bài bản tổ của đờn ca tài tử.
Ở làng Đông Hòa có dòng họ của Nguyễn Tri. Ông Nguyễn Tri Túc (ông ngoại của GS. Trần Văn Khê) là một người đờn giỏi, nuôi nhiều người đờn ca tài tử trong nhà. 2 người con của ông Nguyễn Tri Túc là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương đều đờn rất giỏi. Nguyễn Tri Lạc đờn Cò rất hay. Còn Nguyễn Tri Khương chơi hay các nhạc cụ đờn Kìm và đờn Cò.
Đặc biệt, Nguyễn Tri Khương còn có tài thổi sáo. Tiếng sáo của ông khi cất lên làm nao lòng người. Tên tuổi của ông vang danh khắp cả nước thời bấy giờ. Ngoài ra, ông Nguyễn Tri Khương còn sáng tác nhiều bài bản đờn ca tài tử mới như “Yến tước tranh ngôn” (chim én tranh luận với chim sẻ), theo hơi Bắc; “Phong suy tịch liễu” (gió lay cành liễu rũ), theo hơi Xuân nữ, tiết tấu nhanh; “Thất trĩ bi hùng” (chim trĩ buồn lẻ bạn), theo hơi Ai. Đây là 2 gia đình nổi tiếng, đặt nền móng cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển và lan tỏa sâu rộng trên vùng đất Tiền Giang.
* PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)