Thứ Hai, 02/06/2014, 12:27 (GMT+7)
.
ÔNG CAO VĂN HÓA, PHÓ GIÁM ĐỐC Sở NN&PTNT

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để nâng cao GTGT và phát triển bền vững

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là một trong những biện pháp để giải quyết các mâu thuẫn, bất cập trong sản xuất lâu nay; đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho nông nghiệp phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và giá trị vốn có.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là phát huy những gì đã làm được, đồng thời sửa lại những việc chưa làm được.

* Phóng viên: Ông có thể cho biết thực trạng của ngành Nông nghiệp tỉnh ta trong những năm qua?

* Ông Cao Văn Hóa: Trong giai đoạn 2008-2013, ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục triển khai chương trình phát triển lúa gạo, vườn cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản.

Đã hình thành các vùng chuyên canh các loại cây, con là thế mạnh của tỉnh như:

Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long, vú sữa, lúa, heo, gia cầm, cá tra, tôm, nghêu… và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch và bảo quản, nhất là triển khai các mô hình đạt chuẩn Global GAP, VietGAP;

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, nuôi công nghiệp, công tác phòng ngừa các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả thiết thực; phát triển thủy sản theo hướng hình thành các vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát huy tác dụng tốt như các công trình thủy lợi đầu mối, ô bao, cống đập ngăn lũ bảo vệ vườn cây ăn trái nhằm bảo vệ nguồn nước cho sản xuất, cải tạo phèn, mặn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế và làm thay đổi khu vực nông nghiệp -nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp Tiền Giang vẫn còn những mặt khó khăn như: Chuyển dịch cơ cấu từ trong nội bộ từng ngành, chuyển dịch qua lại giữa các chủng loại cây ăn trái, biến động của các nhóm gia súc… theo biến động của thị trường và tình hình dịch bệnh.

Các biến động này đã có tác động làm giảm hiệu quả của sản xuất như: Tốn nhiều chi phí cho thời kỳ kiến thiết cơ bản, có tác động đối với đất đai và chế độ thủy văn tại chỗ cũng như khu vực chung quanh, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán, dẫn đến chi phí sản xuất luôn cao, khó quản lý về chất lượng và an toàn thực phẩm, khó kiểm soát dịch bệnh, không đủ số lượng để đăng ký những hợp đồng tiêu thụ lớn, đặc biệt là cây ăn trái.

Ngoài ra, phần lớn các sản phẩm tiêu thụ đều qua kênh thương lái, do đó tạo ra nhiều phân khúc trong chuỗi giá trị, nông dân vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nhất. Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ…

* Phóng viên: Để khắc phục những tồn tại trước đây, ngành Nông nghiệp đã đề ra những giải pháp gì để tái cấu trúc lại ngành Nông nghiệp của tỉnh ta, thưa ông?

* Ông  Cao Văn Hóa: Mục đích tái cấu trúc Ngành nông nghiệp đợt này phải theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung đầu tư khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật, tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị và giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nông dân, góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi xác định sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020 là tập trung vào 3 cây (cây ăn trái, cây lúa, cây rau màu), 2 con (gia súc, gia cầm), thủy sản (tôm, nghêu).

Trong đó, tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở phát triển các vùng chuyên canh nhằm tăng giá trị sản phẩm; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch.

Ngành Nông nghiệp cũng tập trung sản xuất các cây chủ lực như: Xoài cát Hòa Lộc, khóm, sầu riêng, thanh long, vú sữa Lò Rèn quy mô từ 3.000 ha trở lên. Hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa “Nông dân nhỏ sản xuất trên cánh đồng lớn” trên 20.000 ha gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Hình thành vùng chuyên canh rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.100 ha đất canh tác, phát triển các điểm trồng rau công nghệ cao hướng đến đạt chuẩn hữu cơ. Về chăn nuôi, ngành Nông nghiệp cũng tập trung nâng cao chất lượng các giống vật nuôi chủ lực, cung cấp 85% nhu cầu con giống chất lượng cao, an toàn dịch bệnh cho các vùng chăn nuôi tập trung.

Ngoài ra, tập trung phát triển giống thủy sản chủ lực theo vùng sinh thái, cải tiến phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt; tiếp tục gia tăng năng lực khai thác xa bờ, tăng cường bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản gần bờ; kết hợp chặt chẽ giữa khai thác xa bờ với bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo…

Chúng tôi cũng tập trung vào các nhóm giải pháp như:

Nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch; nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng một số sản phẩm, hàng hóa nông - lâm - thủy sản chủ lực; phòng, chống dịch bệnh;

Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông sản; tạo cơ chế chính sách phù hợp; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nghề cho lao động nông thôn; đầu tư hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn, giảm thiểu các tác động làm ô nhiễm đất và nguồn nước; nâng cao nguồn nhân lực; tổ chức lại sản xuất, xúc tiến thương mại…

* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

Ông Cao Văn Hóa cho biết: Ngành Nông nghiệp đóng góp tích cực vào độ ổn định, tính bền vững của phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh Tiền Giang ở mức 9,5%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 10,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020; đến năm 2015 phấn đấu tỷ trọng khu vực I trong GDP của tỉnh là 36,9%, đến năm 2020 đạt tỷ trọng 27,4%.

Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,16% giai đoạn 2014 – 2020, trong đó, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng bình quân 3,62%/năm, tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi đến năm 2020 là 78,11% và 21,89%; giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 6,76%/năm.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó cây ăn trái là rất quan trọng. Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ chọn ra một số cây ăn trái đặc trưng nhất, hiệu quả nhất để đầu tư phát triển như xoài cát Hòa Lộc và thanh long. Trước đây, ngành Nông nghiệp chọn và phát triển 7 cây chủ lực nhưng đầu tư dàn trải nên không hiệu quả và không cây nào ra cây nào.

 

.
.
.