Thứ Hai, 19/10/2020, 10:58 (GMT+7)
.

Ở đâu có nghèo khó, hoạn nạn, ở đó có sự giúp đỡ, sẻ chia

(ABO) Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2020 (từ 17-10 đến 18-11) diễn ra trong bối cảnh miền Trung gồng mình trong bão lũ với nhiều hy sinh, mất mát, đau thương đang cập nhật gia tăng từng ngày. Vì vậy, trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm nay, đồng bào cả nước hướng về miền Trung trong tâm thế thấu cảm, sẻ chia với những hy sinh, mất mát, các hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn phải oằn mình trong bão lũ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

a
Nhiều nơi tại Quảng Trị bị nước lũ bao vây. Ảnh: Trường Trung

Trong thời gian qua, xóa khó, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một chủ trương lớn, một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của phát triển bền vững và cũng là một chương trình mang tầm quốc gia, thể hiện truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chủ trương hướng về người nghèo đã biến thành những hoạt động cụ thể được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành, lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc với tinh thần: Ở đâu có người nghèo khó, hoạn nạn, ở đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia, có những tấm lòng yêu thương, đùm bọc.

Điều đáng quý và đáng trân trọng là xã hội ngày càng lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, sự thấu cảm và sẻ chia với người nghèo khó, hoạn nạn. Và điều đáng trân trọng hơn nữa là nhiều người vẫn còn khó khăn nhưng họ cũng hướng về người nghèo khó, hoạn nạn với tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” đầy nghĩa tình, như Nguyễn Thành Đạt, Phan Văn Hảo (xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Võ Văn Sơn (Trường Đại học Tiền Giang), Nguyễn Hải Đăng (Trưởng nhóm Tình nguyện viên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Thanh Pha (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang)… là những dẫn chứng điển hình.

a
Nguyễn Hải Đăng (Trưởng nhóm Tình nguyện viên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang) phát cơm miễn phí cho người nghèo.

Những hình thức chia sẻ với người nghèo khó, hoạn nạn cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh các chương trình xây tặng nhà, hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, phát học bổng…, thì còn nhiều hình thức hỗ trợ xuất phát từ các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm với nhiều cách làm sáng tạo như: Siêu thị hạnh phúc 0 đồng, cửa hàng 0 đồng, cây ATM gạo, cửa hàng quần áo 0 đồng, quán cơm 0 đồng, bánh mì 0 đồng, nước uống miễn phí, bếp ăn từ thiện, phát cơm miễn phí… Tất cả đều có điểm chung là hướng về người nghèo khó với sự sẻ chia đầy nghĩa tình.

Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và sự chung tay của cộng đồng, xã hội đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp công cuộc giảm nghèo đạt được những kết quả vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Từ đó Việt Nam đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% năm 2015 còn 3,75% vào cuối năm 2019, dự kiến chỉ còn dưới 3% vào năm 2020.

Riêng ở Tiền Giang, công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, từ đó hằng năm tỷ lệ hộ nghèo đều giảm, đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn tiếp cận đa chiều được kéo giảm còn 1,99%.

a
Bà Trương Thị Khuyên, mẹ của chiến sĩ Lê Tuấn Anh (Cam Lộ, Quảng Trị) đang khóc vì lo lắng cho con và đồng đội - Ảnh: QUỐC NAM

Hy vọng rằng, tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm nay sẽ càng lan tỏa hơn truyền thống “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” cao đẹp của dân tộc, cùng hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt đang oằn mình gánh chịu nhiều hy sinh, mất mát, đau thương do bão lũ với tinh thần: Ở đâu có nghèo khó, hoạn nạn, ở đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia…

THIÊN LÊ



 

.
.
.