Thứ Năm, 19/01/2023, 18:32 (GMT+7)
.

Xây dựng nông thôn mới thúc đẩy phát triển văn hóa nông thôn

Phát triển văn hóa nông thôn mới (NTM) là việc làm thiết thực, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đóng góp tích cực trong xu thế phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Từ năm 2010 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, đã tạo động lực để Tiền Giang bứt phá phát triển. Mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; do vậy, trong xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn giữ vai trò rất quan trọng.

Xây dựng NTM với nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống văn hóa của người dân.
Xây dựng NTM với nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống văn hóa của người dân.

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16). Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong năm 2022, Tiền Giang xây dựng 13 xã đạt chuẩn NTM, 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Cai Lậy đạt chuẩn huyện NTM. Nâng đến nay, toàn tỉnh có 137/142 xã NTM, 39/142 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4/8 huyện đạt chuẩn NTM và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, công tác xây dựng văn hóa NTM đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, góp phần phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, sáng tạo của người dân.

Nhân dân có ý thức tham gia các công trình xây dựng ở địa phương, trong đó có xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, đường quê, ngõ xóm sạch đẹp hơn. Các thiết chế văn hóa cấp xã được quan tâm xây dựng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhiều công trình ra đời từ sự đóng góp đất đai, tiền của, công sức của nhân dân, góp phần làm cho bức tranh văn hóa NTM ngày càng sinh động.

Sau gần 12 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của các địa phương trong tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn ngày càng nâng cao. Kết quả đó xuất phát từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, đồng thời gắn chặt với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống địa phương.

Thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đều quan tâm, tăng cường nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Theo đó, các địa phương chủ động bố trí nguồn lực lồng ghép vào các chương trình, đề án và huy động các nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân địa phương thông qua việc hiến đất tạo mặt bằng, góp ngày công, kinh phí để sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa...

Thời gian qua, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp nhiều nhà văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, ấp, khu phố. Phần lớn nhà văn hóa được xây dựng theo cấu trúc đa năng, được trang bị những trang thiết bị thiết yếu như phông, màn, bục, tủ sách, báo, loa truyền thanh, bàn ghế, loa máy... Cùng với đó, tỉnh và các địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã... Từ đây, hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp huyện, xã đến ấp, khu phố được quản lý và vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

Việc quan tâm thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM không chỉ nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa, các địa phương cũng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh. Qua phong trào đã thúc đẩy nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi rộng khắp...

Để góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hằng năm tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, thể thao cho các đối tượng là cán bộ phòng văn hóa, cán bộ văn hóa xã, phường, ban chủ nhiệm nhà văn hóa ấp, khu phố. Đồng thời, tăng cường đi kiểm tra, hướng dẫn tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình điểm...

Xây dựng văn hóa NTM là tạo ra diện mạo đời sống văn hóa NTM có cuộc sống ổn định, phát triển với lối sống mới, nếp sống mới văn minh tiến bộ, thiết thực bảo tồn, phát triển văn hóa trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp hóa nông thôn. Trong quá trình thực hiện phải chú trọng phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với phát triển văn hóa; tích cực xóa khó giảm nghèo được tiến hành đồng thời với nhiệm vụ tăng cường đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đó chính là yếu tố tích cực đưa văn hóa trở thành động lực, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Tiền Giang nói riêng và của cả nước nói chung.

HỮU NGHỊ

.
.
.