.

Cần điều chỉnh khuyến cáo "5K" cho phù hợp tình hình thực tế dịch bệnh

Cập nhật: 08:14, 11/03/2022 (GMT+7)

(ABO) Có thể khẳng định, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư thì khuyến cáo “5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” để giữ an toàn cho bạn và chúng ta trước đại dịch Covid-19 (gọi tắt khuyến cáo “5K”) của Bộ Y tế đã mang lại hiệu quả tích cực, làm giảm đáng kể khả năng lây lan vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn “bình thường mới”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như hiện nay thì khuyến cáo “5K” có còn phù hợp?

Có thể thấy, trong điều kiện cuộc sống “bình thường mới”, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục dần để phát triển kinh tế - xã hội sau khoảng thời gian dài ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch… cũng dần được khôi phục.

Bên cạnh đó, trường học ở tất cả các bậc học cũng từng bước được mở cửa, đón học sinh trở lại học trực tiếp, bởi vì học sinh không thể học trực tuyến mãi được, nhất là học sinh các lớp cuối cấp, học sinh ở khối lớp 1 và 2 ở bậc tiểu học.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh vào sáng ngày 9-3 đã yêu cầu cần xem lại để hướng dẫn quy trình phù hợp với bình thường mới vì “5K” hiện nay có một số điểm không còn phù hợp.

Người đứng đầu Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng dẫn chứng việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế hiện còn phù hợp, nhưng còn khoảng cách và không tập trung đã không còn phù hợp. Từ đó, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định: Chúng ta cứ kêu gọi “5K” nhưng nếu không sửa lại phù hợp sẽ rất khó thực hiện, đúng hơn là nói mà không làm được, không sát tình hình thực tế.

a
Việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế hiện còn phù hợp trong giai đoạn "bình thường mới" hiện nay. Ảnh: PC

Rõ ràng, trong khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế có một vài khuyến cáo đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là Bộ Y tế cần nghiên cứu, thay đổi, đưa ra khuyến cáo phù hợp hơn để có thể vận dụng trong tình hình mới hiện nay nhằm hạn chế việc lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng, làm giảm tác động của dịch bệnh đến các mặt của đời sống xã hội.

Nhìn ở góc độ khác, do việc bao phủ vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đạt tỷ lệ cao, từ đó làm giảm đáng kể số ca nhiễm Covid-19 nặng, giảm ca tử vong. Chính vì vậy, không ít người có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội, vui chơi, giải trí, giáo dục, du lịch…; cùng với việc chủng vi rút Omicron lây lan nhanh trong cộng đồng làm cho số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng trong thời gian vừa qua.

Vấn đề đặt ra là phải “bắt mạch” cho được các nguyên nhân làm cho số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong cộng đồng, từ đó mới có giải pháp để “bốc thuốc” phù hợp, sát tình hình thực tế. Tất nhiên, để chặn “làn sóng” Covid-19 đang lây lan như hiện nay đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc Bộ Y tế nhanh chóng điều chỉnh khuyến cáo “5K” để cả xã hội cùng thực hiện là giải pháp cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

THIÊN QUANG  
 

 

.
.
.