Nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật
(ABO) Làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý ngành Nông nghiệp là phải “Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật” và “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ”. Đây cũng được xem là thông điệp rõ ràng cho những bước đi tiếp theo để ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu mới hiệu quả hơn.
Thật ra, thông điệp người nông dân được hưởng thụ thật và là chủ thể, là trung tâm đã được đặt ra rất nhiều năm. Từ đó, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành và hiện thực hóa. Bằng chứng rõ nét nhất là Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành và cụ thể hóa vào đời sống người nông dân được hơn 10 năm.
Tất nhiên, nghị quyết này đã mang lại những hiệu ứng rất tích cực, góp phần thay đổi diện mạo cho nông thôn, đời sống người nông dân cũng từ đó đã đổi khác hơn. Nhưng nhìn ở khía cạnh nào đó, người nông dân được hưởng thụ thật đến mức nào cũng còn là mối bận tâm, ray rứt của nhiều người.
Ngành Nông nghiệp cần có những bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã chỉ ra thách thức lâu nay, là điểm nghẽn, mà ông ví von là 3 “lời nguyền”, đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp. “Nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa…”. Để vượt qua các "lời nguyền" này cũng là một câu chuyện dài và chắc chắn rằng đời sống của người nông dân cũng gắn chặt vào việc tìm lời giải thỏa đáng cho những "lời nguyền" này.
Nhìn vào bức tranh nông nghiệp của Tiền Giang, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần phải khai thông, đó có thể là chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp có bước biến chuyển nhưng còn chậm; liên kết phát triển theo chuỗi giá trị còn ít, chưa bền vững; tư duy và trình độ sản xuất của một số nông hộ chưa đáp ứng kịp với các ứng dụng sản xuất mới, sản xuất theo công nghệ cao; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn ít, sức cạnh tranh của sản phẩm và diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP còn thấp.
Nhìn ở khía cạnh khác, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chậm đổi mới, kinh tế hộ vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ lực ở nông thôn, với quy mô sản xuất nhỏ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác chậm phát triển, chưa thể hiện được vai trò đầu mối cung ứng các yêu tố đầu vào và đầu ra cho thành viên; mức độ trang bị cơ giới và áp dụng khoa học công nghệ thấp, khả năng liên kết với thị trường hạn chế... Đó cũng có thể là những nét chung của tình hình sản xuất nông nghiệp cả nước.
Nhìn từ thực tiễn, để đảm bảo nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người nông dân và chạm đến mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5 đến 3%, kim ngạch xuất khẩu 48 đến 50 tỷ USD, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, ngành xác định tạo những bước chuyển mạnh mẽ.
Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới. Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả. Chuyển từ “Chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “Chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”. Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị ”. Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”… Nhiều cuộc chuyển đổi cứ nối tiếp được đặt ra như thế.
Có thể những bước chuyển đổi được ngành Nông nghiệp đặt ra chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều nhưng ít ra cũng vạch ra một đường hướng mới hiệu quả hơn. Và suy cho cùng, ngành Nông nghiệp chỉ cần thực hiện tốt mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra “Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật” thì chắc chắn ngành Nông nghiệp sẽ có chuyển biến tích cực. Và khi đó, vai trò trung tâm của người nông dân mới thật sự có ý nghĩa.
T.T