"Vũ khí" vaccine và trách nhiệm phòng chống dịch
Tối 18-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc mua vaccine Covid-19. Trong nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức mua vaccine một cách nhanh nhất có thể, để triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay trong ngày nghị quyết được ban hành, Việt Nam đã đàm phán thành công và mua 31 triệu liều vaccine của hãng Pfizer. Theo thỏa thuận, quý 3 và quý 4 năm nay, Việt Nam sẽ nhận được số vaccine này của Pfizer. Đây tiếp tục là tín hiệu lạc quan với người dân cả nước trong cuộc chiến dai dẳng với virus SARS-CoV-2 và các biến thể nguy hiểm của virus này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngoài 31 triệu liều vaccine của Pfizer, Việt Nam đã đăng ký mua 170 triệu liều vaccine AstraZeneca từ nhiều nguồn, trong đó, số đã ký kết và có cam kết khoảng 110 triệu liều. Với mục tiêu bao phủ vaccine toàn dân, bảo đảm an ninh y tế, chúng ta cũng tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước với kết quả rất khả quan, kỳ vọng cuối năm nay sẽ có vaccine Covid-19 “made in Việt Nam” phục vụ tiêm chủng cho người dân.
Vaccine chính là loại “vũ khí” hữu hiệu và giải pháp căn cơ nhất để khống chế được dịch bệnh. Tại nhiều quốc gia có điều kiện kinh tế, việc sớm triển khai tiêm vaccine cho người dân đã mang đến những kết quả tốt trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Việt Nam, dù điều kiện kinh tế còn khiêm tốn, nhưng với trách nhiệm và mục tiêu lớn nhất là vì sức khỏe nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc, chúng ta đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để có được nhiều nhất loại “vũ khí” đặc hiệu này. Con số khoảng 1 triệu người đã được tiêm vaccine Covid-19 (tính đến ngày 19-5) là một dấu mốc rất đáng ghi nhận, khẳng định Việt Nam đã rất khẩn trương đưa vaccine vào tiêm chủng cho người dân.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 nói chung và đợt dịch thứ 4 này còn nhiều nguy cơ khó lường vì sự lây lan nhanh của biến chủng mới. Việt Nam đã chuẩn bị cho kịch bản có tới 30.000 ca mắc Covid-19 để kịp thời chủ động ứng phó với mọi tình huống. Tất nhiên, để kịch bản trên không xảy ra, bên cạnh sự chủ động, phản ứng kịp thời, linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và địa phương, đòi hỏi mọi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, phòng chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược “5K+vaccine”. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cũng yêu cầu các đơn vị chức năng, nhất là các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào truy vết, lấy mẫu và quản lý kết quả xét nghiệm để khoanh vùng ổ dịch nhanh nhất.
Khai báo y tế là rất cần thiết để kiểm soát được những người có nguy cơ cao nên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã yêu cầu Bộ TT-TT, các nhà mạng khẩn trương thiết lập đường dây nóng, tổ chức lực lượng tình nguyện viên kết hợp với các điện thoại viên để tiếp nhận, trợ giúp mọi yêu cầu của người dân về khai báo y tế một cách kịp thời. Đối với việc xét nghiệm, Bộ Y tế cho phép các địa phương tăng cường xét nghiệm gộp mẫu và xét nghiệm kháng nguyên nhằm tăng tốc truy vết và tiết kiệm tiền của, công sức. Đồng thời với số ca F0 và F1 đang tăng cao, nhiều địa phương cũng đẩy mạnh lắp đặt hệ thống camera trong các buồng bệnh, khu cách ly nhằm siết chặt quản lý, ngăn ngừa lây nhiễm.
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân kết hợp nỗ lực chống dịch không biết mệt mỏi của các lực lượng y tế, quân đội, công an và áp dụng công nghệ hiện đại sẽ là cơ sở quan trọng để giúp chúng ta vững tin hơn trong cuộc chiến với dịch Covid-19.
(Theo www.sggp.org.vn)