Thứ Hai, 12/11/2018, 20:24 (GMT+7)
.

Vụ tranh chấp gần 30 năm, chưa được giải quyết dứt điểm

Phản ánh với Báo Ấp Bắc, bà Nguyễn Ánh Tuyết (tức Nguyễn Thị Hoàng, sinh năm 1957, ngụ số 72, đường Lê Công Thép, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Để đòi lại căn nhà số 21/13, khu 4, thị trấn Cai Lậy (nay số 21/13, khu phố 1, phường 4, TX. Cai Lậy) bị bà Bùi Thị Liên (sinh năm 1956, ngụ 144E, đường Lý Thường Kiệt, phường 5, TP. Mỹ Tho) cố tình chiếm đoạt, tôi đã phải trải qua 9 phiên tòa, đã gần 30 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Bà Tuyết trình bày sự việc.
Bà Tuyết trình bày sự việc.

Xác minh sự việc, được biết: Bà Tuyết và bà Liên là chị em kết nghĩa trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Sau giải phóng (năm 1983 - 1984), do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng bà Liên xin về sống chung với bà Tuyết tại số 21/13, khu 4, thị trấn Cai Lậy. Khoảng 2 năm sau, vợ chồng bà Liên cất nhà trong hẻm ở riêng.

Năm 1989, bà Tuyết được giải quyết chính sách hưởng chế độ mất sức và được bạn bè giới thiệu làm đại diện cho nhiều hộ gia đình đi khai hoang khoảng 200 ha đất ở tỉnh Đồng Tháp.

Quá trình canh tác, bà Tuyết có vay của Hợp tác xã Vĩnh Bình 42.000 lít dầu, vay của Bộ Nông nghiệp phía Nam 3 tấn lúa giống, vay Phòng Lương thực huyện Cai Lậy 20 tấn phân, vay của Ngân hàng Cai Lậy 5 triệu đồng và của cô Thủy 800.000 đồng.

Cuối năm đó, do lũ lụt đã bị thất trắng, các hộ dân bỏ về xứ, còn bà Tuyết là người đại diện nên phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản vay nói trên. Vì vậy, bà Tuyết phải đi làm ăn, tìm mọi cách bươn chải kiếm tiền trả nợ.

Lúc này, nhà bà Tuyết (mặt tiền) không người ở. Thấy vậy, bà Liên tìm gặp bà Tuyết “thỏa thuận” cho ở nhờ để thuận tiện việc buôn bán; đồng thời, biết bà Tuyết còn nợ tiền ngân hàng, một số đơn vị và cá nhân nên bà Liên hứa sẽ bán nhà của bà (trong hẻm) để thanh toán nợ cho bà Tuyết trị giá khoảng 40 chỉ vàng, khi nào bà Tuyết về thì bà Liên sẽ trả lại nhà và bà Tuyết trả lại tiền cho bà Liên.

Là chỗ tình thân chị em kết nghĩa, nên bà Tuyết đồng ý và đã viết cho bà Liên một giấy thế chấp căn nhà để bà Liên trả nợ giúp.

Giấy đề ngày 10-2-1990, ghi bà Tuyết mượn bà Liên 4 cây vàng (bốn chục chỉ vàng), nếu đến ngày 31-12-1991 bà Tuyết không trả được số tiền trên thì căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà Liên.

Tuy nhiên, khi chưa hết hạn trả nợ thì bà Liên làm đơn khởi kiện và Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cai Lậy vẫn thụ lý, đưa vụ án ra xét xử, vắng mặt bà Tuyết.

Tại Bản án sơ thẩm số 67, ngày 12-10-1991 (trước thời hạn trả nợ 2 tháng), TAND huyện Cai Lậy quyết định buộc bà Tuyết phải trả cho bà Liên 40 chỉ vàng, nếu đến ngày 31-12-1991 chưa trả thì quyền sở hữu căn nhà thuộc về bà Liên (trong khi bà Tuyết không có mặt tại địa phương).

Trong khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, UBND huyện Cai Lậy vẫn quyết định cấp quyền sử dụng nhà cho bà Liên.

Không chỉ vậy, giấy ghi thế chấp căn nhà nhưng UBND huyện Cai Lậy lại cấp quyền sử dụng 322 m2 đất của bà Tuyết cho bà Liên? Từ đó hai bên tranh chấp và khởi kiện.

Tại Bản án sơ thẩm lần thứ 3 (ngày 18-12-2007), tòa đã buộc bà Liên giao trả nhà cho bà Tuyết và Bản án phúc thẩm ngày 13-3-2008 giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bà Liên tiếp tục kháng cáo, tại Bản án giám đốc thẩm ngày 30-10-2009 của TAND Tối cao đã hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại theo trình tự chung.

Ngày 23-8-2011, tòa sơ thẩm bác yêu cầu của bà Tuyết, nhưng đã bị Bản án phúc thẩm ngày 26-6-2012 hủy án sơ thẩm.

Từ đó đến nay (hơn 6 năm đã trôi qua) nội vụ tranh chấp vẫn chưa được cấp thẩm quyền xem xét, để sự việc kéo dài gần 30 năm chưa được giải quyết dứt điểm.

TỔ CTBĐ

.
.
.