Thứ Sáu, 20/03/2020, 15:56 (GMT+7)
.
VỤ ÁN "TỶ PHÚ TÀU CÁ" BA SƠN:

Kiện một đằng, trả lời một nẻo - trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 3-3-2020, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Tiền Giang Huỳnh Xuân Long có Văn bản 16 trả lời đơn khiếu nại của ông Huỳnh Ngọc Sơn (ngụ số 127/3, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 2, TP. Mỹ Tho) với nội dung: “... Ông Sơn có quyền khởi kiện Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang để yêu cầu tòa án xem xét lại số tiền mà gia đình ông có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng và tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, nội dung ông Sơn khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang thực thi Bản án Giám đốc thẩm 89, ngày 8-4-2015 của TAND Tối cao, đến nay chưa được đưa ra xét xử.

 Tàu cá của ông Sơn đã bị phát mãi, bán cho người khác.
Tàu cá của ông Sơn đã bị phát mãi, bán cho người khác.

ÁN GIÁM ĐỐC THẨM GẦN 5 NĂM CHƯA THỰC HIỆN

Sau khi có Quyết định Bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao, ông Sơn khởi kiện, yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường thiệt hại cho ông (chiếc tàu cá giá trị hàng tỷ đồng) do Bản án phúc thẩm 543, ngày 8-12-2011 của TAND tỉnh trái với tinh thần Quyết định 144, ngày 24-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về: “Một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định 985, ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất ...”.  Từ đó, Bản án Giám đốc thẩm 89, ngày 8-4-2015 của TAND Tối cao: “Hủy Bản án dân sự phúc thẩm 543, ngày 8-12-2011 của TAND tỉnh Tiền Giang và hủy Bản án dân sự sơ thẩm 108, ngày 20-7-2011 của TAND TP. Mỹ Tho về vụ án: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với bị đơn là ông Huỳnh Ngọc Sơn và bà Lê Thị Hường. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Mỹ Tho để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”. Thế nhưng, gần 5 năm qua, tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa đưa vụ án ra xét xử lại theo nội dung Quyết định của Bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao, mà ra Quyết định “đình chỉ vụ án do Ngân hàng rút đơn...” là chưa thỏa đáng.

Ngày 22-4-2019, TAND Tối cao có Công văn 329 gửi Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, nêu rõ: “... TAND Tối cao không có căn cứ để thụ lý, xem xét Công văn kiến nghị Giám đốc thẩm 135, ngày 1-3-2019 của Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, vì Quyết định 44, ngày 6-8-2015 của TAND TP. Mỹ Tho về đình chỉ vụ án đã hết thời hiệu kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm và đã chuyển trả hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Tiền Giang...”. Đề nghị Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang xem xét, giải quyết theo luật định.

Ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang cũng đã nhận đơn và xét thấy nội dung đơn khiếu nại của ông Sơn thuộc thẩm quyền của chánh án và đã chuyển đến Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang giải quyết, nhưng cũng nhận được nội dung trả lời: ...Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang rút toàn bộ đơn khởi kiện nên TAND TP. Mỹ Tho ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án... Ông Sơn có quyền khởi kiện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang để yêu cầu tòa án xem xét lại số tiền mà gia đình ông có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng và tài sản thế chấp theo Điều 4 và Điều 186 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Luật gia Nguyễn Văn Giáp, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang có ý kiến về vấn đề này như sau:

Về tài liệu, chứng cứ: Năm 1998, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Quang Thọ ký Quyết định 066 “Duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán” công trình: Tàu đánh cá vỏ gỗ cho chủ đầu tư Huỳnh Ngọc Sơn được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi 1,3 tỷ đồng và vốn tự có trên 49,47 triệu đồng. Quyết định nêu rõ:

- Căn cứ Quyết định 985 ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam bộ và Nam Trung bộ.

- Căn cứ Công văn 2943, ngày 31-12-1997 của UBND tỉnh phê duyệt danh sách và mức vốn cho vay khắc phục hậu quả cơn bão số 5.

- Xét Tờ trình 56 ngày 23-2-1998 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phê duyệt thiết kế và dự toán tàu đánh cá vỏ gỗ do chủ đầu tư tự lập. Quy mô kích thước tàu (m): 22,5 x 6,2 x 3,1. Công suất 350 CV. Loại nghề lưới đèn. Tàu đánh cá đóng bằng gỗ, thiết kế theo mẫu MDG 926 đã được Bộ Thủy sản phê duyệt, thỏa mãn yêu cầu về kết cấu tàu gỗ và tính ổn định tàu đánh cá xa bờ.
- Ngân hàng chuyên doanh có trách nhiệm cấp phát vốn vay theo đúng tiến độ đóng tàu và mua trang thiết bị trên cơ sở biên bản nghiệm thu khối lượng và tổ chức thu hồi vốn vay đúng hạn...

Nếu tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm dựa vào các văn bản (nêu trên) để xét xử thì gia đình ông Sơn không phải lâm vào cảnh bi đát như ngày hôm nay. Bởi vì, Quyết định 144, ngày 22-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định 985, ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất là 5,4%/năm (0,45%/tháng) đối với số dư nợ vay trung hạn tính đến ngày 31-12-2002. Trong trường hợp này, dư nợ của ông Sơn đến ngày 30-5-2003 và ông Sơn vay nợ Ngân hàng sau cơn bão số 5, năm 1997. Việc này, tòa án 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét để giải quyết, khắc phục hậu quả cơn bão số 5 đã làm gia đình ông Sơn chịu tổn thất và thiệt hại rất lớn cả vật chất lẫn tinh thần, cho đến hôm nay vẫn chưa được khắc phục.

Về tính pháp lý của Quyết định Bản án Giám đốc thẩm 89 của TAND Tối cao (được đại diện Viện KSND Tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao) đã nêu rõ: “… Ông Huỳnh Ngọc Sơn có tàu bị chìm trong cơn bão số 5, nên ông có “Đơn xin kiến nghị được vay tiền đóng mới tàu cá” để vay vốn Ngân hàng với mục đích đóng mới tàu thuyền khắc phục hậu quả cơn bão số 5 (có xác nhận của địa phương), đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ và được Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh Tiền Giang cho vay 1,3 tỷ đồng để đóng mới tàu (sau Cơn bão số 5 - năm 1997). Lẽ ra phải được tòa án (2 cấp) làm rõ trường hợp ông Sơn vay tiền (đang còn nợ) có thuộc diện quy định tại Điều 6, Quyết định  985 ngày 0-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả Cơn bão số 5 hay không, để từ đó mới có căn cứ buộc ông Sơn trả lãi cho Ngân hàng theo lãi suất quy định trong hợp đồng hay lãi suất theo Quyết định 144 của Thủ tướng Chính phủ.

Ở đây, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ điều này, đã buộc ông Sơn trả lãi cho Ngân hàng theo mức lãi suất ghi trong hợp đồng tín dụng là chưa đủ cơ sở. Bởi lẽ, những thẩm phán - chủ tọa phiên tòa không thể không biết (buộc phải biết) nội dung Quyết định 144 về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định 985, ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn cố tình không xem xét trong việc giải quyết, khắc phục hậu quả cơn bão số 5, để gia đình ông Sơn tổn thất và thiệt hại rất lớn cả vật chất lẫn tinh thần (tài sản, nhà cửa mất, vợ mất, con cái ly tán…), cho đến hôm nay vẫn chưa được khắc phục.
Do đó, việc TAND TP. Mỹ Tho và TAND tỉnh Tiền Giang thụ lý và đưa ra xét xử vụ án: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” của ông Sơn theo Quyết định Giám đốc thẩm 89 của TAND Tối cao là đủ cơ sở, mang tính pháp lý cao và đúng quy định của pháp luật; không nhất thiết đề nghị ông Sơn khởi kiện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang để yêu cầu tòa án xem xét.

TỔ CTBĐ

.
.
.