Thứ Tư, 04/09/2019, 19:58 (GMT+7)
.

Liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL

(ABO) Ngày 4-9, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Xúc tiến - Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tổ chức “Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019”. Diễn đàn diễn ra ngày 4 và 5-9 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).

Du khách tham quan Trại rắn Đồng Tâm.
Du khách tham quan Trại rắn Đồng Tâm.

Trong khuôn khổ diễn đàn, sáng 4-9, “Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí vào TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL” được tổ chức với sự tham dự của 200 khách mời đến từ các cơ quan ngoại giao, hiệp hội nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố giới thiệu đến các nhà đầu tư về những tiềm năng phát triển các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL; mời gọi đầu tư vào các dự án…

Tổng cộng có 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí được giới thiệu tại hội nghị, TP. Hồ Chí Minh có 51 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL (Cụm Đông ĐBSCL) bao gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh có 36 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL (Cụm Tây ĐBSCL) gồm TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có 92 dự án.

Quang cảnh “Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí vào TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long”.
Quang cảnh “Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí vào TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Vũ Tá Hoàng cho rằng, lợi thế liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau.

Sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố là du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi, thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước.

Do đó, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.

Cũng theo đồng chí Bùi Vũ Tá Hoàng, sự gắn kết của TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL vẫn chưa thực sự tạo nên một thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng và đặc biệt chưa thực sự hình thành được những chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Đồng thời, công tác quảng bá, xúc tiến còn rời rạc, thiếu tính thuyết phục vì vẫn còn loay hoay xác định bản sắc riêng của từng điểm đến.

Phóng viên báo, đài trao đổi với nhà đầu tư bên lề hội nghị.
Phóng viên báo, đài trao đổi với nhà đầu tư bên lề hội nghị.

Bên cạnh đó, việc liên kết vẫn tồn tại những điểm nghẽn như: Thiếu cơ sở hạ tầng; thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hóa, giải trí, du lịch ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL để làm mới sản phẩm; chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, từ đó đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông, văn hóa, giải trí...

Do đó, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL cần có sự kết nối toàn diện hơn, cụ thể hơn và có thời hạn cho từng mục tiêu, kế hoạch.

Tại hội nghị, các địa phương và nhà đầu tư đã nêu lên những khó khăn trong việc liên kết, khai thác tiềm năng du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL; đồng thời, đề xuất những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới.

M. THÀNH

.
.
.