.

UBND tỉnh Tiền Giang trả lời cử tri về lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Cập nhật: 09:27, 01/05/2023 (GMT+7)

Thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang tại Công văn 26 ngày 13-3-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung sau:

- Cử tri TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công phản ánh:

+ Các trường hợp tách thửa hoặc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có đo đạc đất, sau đó có nhu cầu chuyển mục đích hoặc tách thửa thì lại phải tiếp tục ký hợp đồng đo đạc để in biên bản mới và tiếp tục thực hiện các thủ tục ký giáp ranh, ký dẫn đạc, đóng tiếp chi phí đo đạc dù ranh giới thửa đất không có thay đổi, nhiều trường hợp cán bộ không cần xuống thửa đất để đo đạc. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại việc thu phí đo đạc và cho biết việc thu tiền như vậy có đúng khối lượng công việc đo đạc đã thực hiện hay không? Nếu bất cập thì ngành chức năng có đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh hay chưa?

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Các trường hợp tách thửa đất để cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp với cán bộ dẫn đạc ở địa phương thực hiện việc đo đạc xác định phần diện tích yêu cầu tách thửa, xin phép chuyển mục đích theo quy định tại Điều 75 Nghị định 43 ngày 15-5-2014 của Chính phủ. Trường hợp thửa đất có đo đạc thì thực hiện thu phí đo đạc theo mức giá quy định tại Quyết định 43 ngày 11-10-2021 của UBND tỉnh Tiền Giang.

+ Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư 30 ngày 2-6-2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất không yêu cầu người dân nộp “Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất”. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp huyện yêu cầu người dân phải đi ký hợp đồng đo đạc với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để có biên bản trích đo thửa đất cần chuyển mục đích sử dụng đất nhưng khi đã hoàn tất hồ sơ thì biên bản đo đạc này cũng trả về lại người dân lưu giữ, các cơ quan chức năng cũng không lưu giữ biên bản này. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết việc làm này có đúng quy định hay chưa; có làm phát sinh thủ tục hành chính hay không?

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Căn cứ khoản 2, Điều 6 Thông tư 30 ngày 2-6-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất thì “Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất” là một trong những hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại Điều 1, Mẫu số 05, Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ban hành kèm theo Thông tư 30 ngày 2-6-2014 có nội dung:

“… Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo tờ trích lục bản đồ địa chính (hoặc tờ trích đo địa chính) số..., tỷ lệ … do... lập ngày… tháng … năm…và đã được... thẩm định”.

Căn cứ khoản 10, Điều 18 Thông tư 23 ngày 19-5-2014 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19, Điều 6 Thông tư 33 có quy định “… Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho từng thửa đất mới sau chia tách”.

Việc tách thửa chuyển mục đích một phần thửa đất phải đảm bảo theo quy định về tách thửa tại Quyết định 08 ngày 4-5-2020 quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Quyết định 28 ngày 31-7-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 08 ngày 4-5-2020 quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Từ các căn cứ trên, khi người sử dụng đất chuyển mục đích một phần thửa đất thì việc trích đo địa chính là cần thiết.

Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai theo quy định tại Điều 61 Nghị định 43 ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai được sửa đổi tại khoản 40 Điều 2 Nghị định 01 ngày 6-1-2017 của Chính phủ, cụ thể: Tách thửa không quá 15 ngày và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.

+ Về trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, từ năm 2023, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Mỹ Tho yêu cầu người dân vừa phải nộp hồ sơ đo đạc lại thửa đất và định vị tài sản trên đất (mặc dù thửa đất sử dụng ổn định, diện tích xây dựng và hiện trạng nhà đã được thể hiện trong bản vẽ xin phép xây dựng hoặc bản vẽ hiện trạng đã được người dân nộp kèm theo), việc này làm phát sinh chi phí cho người dân. Ngoài ra, một số trường hợp người dân đã được cấp chứng nhận tài sản, nay có thay đổi phát sinh thêm một phần tài sản mới thì vẫn phải đóng tiền đo đạc tất cả các tài sản trên đất. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết căn cứ pháp lý để thực hiện thủ tục này? Mức thu phí đo đạc như vậy có phù hợp với công việc đã thực hiện hay không?

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 3 1 Điều 8 Thông tư 24 ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận phải có “Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng)”. Sơ đồ tài sản để thể hiện vị trí nhà ở theo hiện trạng lên trên thửa đất và được đo vẽ theo quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 23 ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đo đạc lập sơ đồ về tài sản gắn liền với đất chủ sở hữu có quyền yêu cầu các đơn vị có chức năng về đo đạc thực hiện, sơ đồ về tài sản gắn liền với đất do các đơn vị này lập phải có xác nhận của UBND cấp xã là nhà ở phù hợp hiện trạng và thể hiện theo đúng quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 23.

+ Đề nghị các ngành chức năng kiểm tra, xác minh việc tạm ứng các hợp đồng đo đạc đất đai và tài sản trên đất nhưng khi đo đạc có phát sinh vấn đề nên hợp đồng đo đạc không thể hoàn thành, người dân không được hoàn trả kinh phí tạm ứng, như vậy đã đúng quy định chưa?

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Việc lập Hợp đồng đo đạc và tạm ứng kinh phí đo đạc là trên cơ sở thỏa thuận thống nhất giữa các bên giao kết hợp đồng và phù hợp theo quy định của Bộ luật Dân sự. Các hợp đồng đo đạc đã ký kết thì nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai phải phối hợp với cán bộ dẫn đạc ở địa phương đến thực địa để thẩm tra, đo đạc và thực hiện các thủ tục theo quy định. Một số ít trường hợp tạm dừng hợp đồng đo đạc sau khi đơn vị đã thực hiện xong các thủ tục là do chủ sử dụng đất không muốn tiếp tục thực hiện hoặc muốn thay đổi vị trí, diện tích thửa đất đã đo đạc thì viên chức phải phối hợp với cán bộ dẫn đạc địa phương để thực hiện đo đạc lại. Một số trường hợp do lỗi khách quan thì đơn vị hoàn tiền tạm ứng lại cho chủ sử dụng đất khi đo đạc không thực hiện được.

- Cử tri huyện Gò Công Đông phản ánh thời gian qua việc thực hiện các thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khi cơ quan nhà nước làm sai như: Cấp nhầm thửa đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ này với hộ kia; thực hiện Dự án VLAP, khi dự án thực hiện đo đạc cấp đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, một số hộ dân bị giảm diện tích sau khi cấp đổi lại giấy mới. Một số hộ dân tăng diện tích nhưng trên thực tế phần diện tích đất tăng là của hộ kế bên, cấp nhầm thửa giữa các hộ dân… nhiều trường hợp do Nhà nước làm sai khi cấp giấy người dân phải kiện ra tòa án xét xử khi có bản án mới làm thủ tục cấp lại giấy; khi người dân phát hiện cơ quan nhà nước làm sai và kiến nghị cấp lại thì người dân phải đóng tiền đo đạc theo quy định, hiện tại giá đo đạc rất cao…

Hiện nay, đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, kiến nghị ngành chức năng tỉnh rà soát lại những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho người dân. Đối với những trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước làm sai như cấp không đúng thửa đất, không đúng đối tượng, không đúng diện tích… thì cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải cấp lại cho người dân, người dân không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào khi thực hiện đo đạc lại, cấp sổ lại… Kiến nghị đưa việc thực hiện thủ tục đo đạc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào quy trình của thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai nhằm góp phần chấn chỉnh và khắc phục việc chậm trễ trả kết quả đo đạc cho người dân thời gian qua.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Bản đồ địa chính được thành lập theo Dự án VLAP một số trường hợp thửa đất khi đo đạc có sai sót, có nguyên nhân là do sai sót của đơn vị thi công đo đạc thành lập bản đồ địa chính trước đây, bên cạnh đó cũng có nguyên nhân là trong quá trình sử dụng đất, chủ sử dụng tự chuyển quyền sử dụng đất qua lại với nhau nhưng không lập thủ tục theo quy định, dẫn đến ranh giới thay đổi so với giấy chứng nhận được cấp, sử dụng đất chồng lấn vào đất do Nhà nước quản lý...  khi cấp đổi giấy chứng nhận thì cấp đổi theo hiện trạng dẫn đến giấy chứng nhận được cấp có sai sót phải thu hồi.

Hiện nay, việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Dự án VLAP thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện sẽ phối hợp công chức địa chính cấp xã kiểm tra thực địa thửa đất, trường hợp ranh giới thửa đất ổn định thì thực hiện trích lục mà không phải đo đạc lại; trường hợp có tăng, giảm diện tích do nhận chuyển quyền, tặng cho hoặc lấn chiếm đất công có sự thay đổi ranh giới thửa đất thì Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ tổ chức đo đạc lại và thu phí theo quy định tại Quyết định 43 ngày 11-2-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang.

(1) Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 33 ngày 29-9-2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(còn tiếp)

.
.
.