.

Bóng đá và khát vọng gắn kết hòa bình giữa những căng thẳng

Cập nhật: 21:49, 12/03/2022 (GMT+7)

(ABO) Hơn 2 tuần qua, bóng đá thế giới “phủ màu xám” do những ảnh hưởng từ tình hình an ninh bất ổn ở châu Âu. Nhiều biểu tượng lớn của bóng đá thế giới đang bị ảnh hưởng mạnh bởi những căng thẳng, nhưng đâu đó thể thao vẫn có cách để thể hiện tinh thần của mình là cao thượng và gắn kết.

Thể thao đang bị phủ một màu xám u ám bởi những phân biệt đúng sai từ tình hình biến động an ninh ở khu vực châu Âu. Thể thao vốn được xem là phi chính trị, nhưng hiện đang được xem như một đòn “trừng phạt”. Các cầu thủ, các câu lạc bộ, Đội tuyển Nga không phải là những “đối tượng” duy nhất bị ảnh hưởng  bởi những hạn chế ở phương diện thể thao. Những “cấm đoán” đã gây ảnh hưởng lên bóng đá ở ngoài lãnh thổ nước Nga.

Tấm TIFO với thông điệp hòa giải và gắn kết của các CĐV CLB Atalanta treo trong trận đấu với Bayer Leverkusen ở Europa League vừa qua. Ảnh: Getty
Tấm TIFO với thông điệp hòa giải và gắn kết của các CĐV CLB Atalanta treo trong trận đấu với Bayer Leverkusen ở Europa League vừa qua. Ảnh: Getty

Chelsea đang là đội bóng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tỷ phú Roman Abramovich bị Chính phủ Anh đóng băng tài sản. Chelsea đang ở tình thế rất khó khăn khi đội bóng này thông báo rằng sẽ không thể duy trì được hoạt động do đã hết lượng tiền mặt. Mặt khác, Abramovich cũng đã quyết định mất trắng “The Blues” khi muốn đẩy nhanh việc bán CLB này dù không nhận được đồng nào.

Một quyết định có phần sẽ có lợi cho Chelsea trong bối cảnh hiện tại khi ông chủ mới tiếp quản. Dù vậy, một hình ảnh đẹp về thời vàng son của Chelsea gắn với Abramovich đã bị phá vỡ theo cách không thể tệ hơn. Giờ đây khi nhắc về Chelsea không nhiều người còn nhắc về những danh hiệu mà tỷ phú Abramovich đã mang về cho CLB này mà chỉ nhớ về cuộc chia tay vội vã và nguyên nhân tại sao việc đó lại xảy ra. Một thông điệp mà bóng đá luôn không muốn chạm đến nhưng lại đang hiện hữu một cách rõ ràng.

Cùng với đó, nhiều cầu thủ kêu gọi tẩy chay thậm chí là cấm vĩnh viễn những người đồng nghiệp của mình. Hầu hết những cầu thủ người Nga đều không liên quan đến tình hình chiến tranh ở châu Âu hiện tại. Hình ảnh cao thượng của bóng đá và thể thao những ngày vừa qua dường như bị phủ mờ bằng màu xám.

Tại sao phải giải quyết những xung đột của chính trị bằng cách tạo căng thẳng trong bóng đá? Đó là câu hỏi không dễ trả lời nhưng bóng đá hoàn toàn có thể giúp xoa dịu và giải tỏa những căng thẳng. Cụ thể, Giáng sinh năm 1914, ở mặt trận phía Tây trong Thế chiến I, quân Anh và Đức đã dừng bắn để cùng nhau thi đấu một trận đấu bóng đá. Một sự kiện lịch sử có thật của thế giới và cũng là hình ảnh rất đẹp thể hiện ý nguyện hòa bình của con người thông qua bóng đá để gắn kết với nhau chứ không phải chia rẻ.

Hay gần đây nhất, trận đấu giữa Atalanta và Bayer Leverkusen tại Vòng 16, Europa League đã có một hình ảnh rất ý nghĩa về sự gắn kết và khát vọng hòa bình thông qua bóng đá. Các cổ động viên Atalanta đã treo tấm TIFO với hình ảnh Ruslan Malinovskyi (cầu thủ người Ukraine) và Aleksei Miranchuk (cầu thủ người Nga) đang bắt tay và hướng về nhau trên nền cờ quốc kỳ quê hương của hai cầu thủ này. Cả Malinovskyi, Aleksei Miranchuk đều đang thuộc biên chế của Atalanta và vẫn đang thể hiện tình đoàn kết giữa những người đồng nghiệp khi thể hiện sự chia sẻ và thông cảm cho nhau qua truyền thông và mạng xã hội.

Có thể thấy rằng, bóng đá dù đang bị phủ màu xám nhưng vẫn thể hiện rõ thông điệp của mình về sự gắn kết và khát vọng hòa bình. Vì thế hãy để bóng đá hòa giải những căng thẳng đừng để bóng đá trở thành “công cụ” khiến căng thẳng gia tăng.

NGỌC TƯỜNG

.
.
.