Tìm đầu ra cho thanh long: Không thể chậm trễ hơn nữa!
(ABO) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, câu chuyện về giá thanh long rớt đến sát đáy lại “nóng” từ các vùng quê đặc sản thanh long cho đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo, diễn đàn... của các ngành, các cấp.
Sản xuất và tiêu thụ thanh long của chúng ta thiếu ổn định, bền vững là do cách tiếp cận của chúng ta sai. Ảnh P. MAI |
Đây không phải là câu chuyện mới, cũng không phải chỉ riêng đối với trái thanh long, mà là vấn đề đã trở thành “mãn tính”, “biết rồi, nói mãi” của ngành cây ăn trái. Nguyên nhân vì sao cũng đã được các ngành, các cấp đưa ra với nhiều khuyến nghị, giải pháp để không chỉ “cắt cơn” rớt giá của ngành hàng trái cây nói chung và thanh long nói riêng, mà còn để ổn định đầu ra cho trái thanh long, mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, là người rất tâm huyết với ngành Nông nghiệp đã chỉ rất rõ nguyên nhân tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long tổ chức tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào cuối tháng 2-2022 vừa qua.
Bộ trưởng nêu: Sản xuất và tiêu thụ thanh long của chúng ta thiếu ổn định, bền vững là do cách tiếp cận của chúng ta sai. Tư duy của chúng ta là tư duy một đầu sản xuất, mà chúng ta không quan tâm đầu thị trường, trong khi đầu thị trường mới quyết định đầu sản xuất.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng khẳng định: Sản xuất của chúng ta mù mờ vì chắc chắn chúng ta không thể biết bao nhiêu người sản xuất thanh long; về thị trường thì càng mù mờ hơn nữa. Chúng ta không có tư duy hội đoàn, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy biết, thành ra mọi thông tin mình không nắm được…
Khi Trung Quốc thực hiện chiến lược “Zero Covid”, kiểm soát chặt cửa khẩu đã đẩy giá thanh long rớt xuống sát đáy, phải "giải cứu". Ảnh: L. OANH |
Thực tế cho thấy, thanh long từng là cây giúp nông dân của 3 tỉnh có diện tích trồng lớn nhất cả nước là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Cây nào có giá trị kinh tế cao thì người dân tập trung trồng cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường đầu ra chưa được định hình rõ nét, lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Hệ lụy của việc nông dân tự phát chuyển đổi cây trồng từ lúa và các loại cây khác có giá trị kinh tế thấp sang trồng thanh long khiến cho quy hoạch bị phá vỡ, khó kiểm soát. Từ đó diện tích trồng thanh long trong cả nước tăng nhanh chóng, đưa sản lượng trái của loại cây “thoát nghèo” này lên khoảng 1,4 triệu tấn vào năm 2021, trong đó riêng 3 tình Bình Thuận, Tiền Giang, Long An khoảng 1,25 triệu tấn.
Đúng là việc trồng thanh long theo kiểu tự phát đã làm cho diện tích trồng loại cây này tăng cao nhanh chóng, trong khi đầu ra chưa ổn định, tiêu thụ trong nước chỉ chiếm từ 15 đến 20%, phần còn lại chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc thực hiện chiến lược “Zero Covid”, kiểm soát chặt cửa khẩu đã đẩy giá thanh long rớt xuống sát đáy, giá bán không bù được chi phí sản xuất.
Thế nhưng đổ lỗi cho nông dân trồng tự phát, phá vỡ quy hoạch, làm tăng diện tích nhanh chóng, từ đó cung vượt cầu thì liệu có hợp lý, hợp tình?! Nguyên nhân khiến giá thanh long nói riêng và ngành hàng cây ăn trái nói chung bấp bênh đã được chỉ rõ; giải pháp cũng đã được đưa ra. Thế nên, việc còn lại là cần có “đầu tàu” gánh trách nhiệm tìm đầu ra cho nông sản nói chung và thanh long nói riêng. Đó là việc cần làm ngay, không thể chậm trễ hơn nữa.
MINH TRỌNG