.

Đừng để "vi rút kỳ thị" ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Cập nhật: 08:54, 03/07/2021 (GMT+7)

(ABO) Hơn 13 giờ chiều, điện thoại báo có một cuộc gọi từ Zalo. Đó là số của một người chị công tác trong ngành Y tế ở tỉnh. Vội nghe máy, dù chỉ qua điện thoại, nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ sự bức xúc của chị.

Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ chống dịch?
Nhân viên y tế đang phun thuốc khử khuẩn khu vực cách ly.

Chuyện là ngày hôm nay, nhân viên của chị được phân công đến tỉnh bạn để nhận nguồn máu từ đơn vị cung ứng (nơi được Bộ Y tế giao cho nhiệm vụ thu gom và cung cấp máu cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Bởi nguồn máu dự trữ ở tỉnh sắp hết, cần phải nhập về gấp để đáp ứng việc cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, khi xe đến cửa ngõ vào địa phương này thì chốt kiểm soát y tế chặn lại để kiểm tra thân nhiệt và những giấy tờ liên quan.

Lực lượng chức năng không ngại khó khăn để thực hiện nhiệm vụ trong vùng phong tỏa tại xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy.
Lực lượng chức năng không ngại khó khăn để thực hiện nhiệm vụ trong vùng phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh tại xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy.

Đây là điều cần thiết bởi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, khi nhân viên y tế đã xuất trình đủ các giấy tờ liên quan như: Giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày 30-6-2021, công lệnh của cơ quan; đồng thời, nhân viên được phân công đi nhận máu vẫn còn mặc đồ chuyên môn, đi trên xe cấp cứu, nhưng vẫn bị lực lượng ở chốt kiểm soát này không cho vào địa phận.

Lý do mà họ đưa ra là do 2 nhân viên y tế này đến từ vùng dịch, đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Lực lượng làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát y tế cho rằng những nhân viên này không có giấy chứng thực là đi nhận máu, lỡ đi vòng vòng rồi sao?

2 nhân viên y tế của tỉnh rất sốt ruột, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ phải đứng chờ gần 2 giờ đồng hồ, nhưng vẫn không được vào. Giải pháp tình thế là đơn vị cung ứng máu phải chở máu đến chốt kiểm soát để giao. Tuy nhiên, điều đáng nói và làm 2 nhân viên y tế này bức xúc là một trong số những người tại chốt kiểm dịch này có thái độ kỳ thị với lý do họ đến từ vùng dịch.

Thực tế này ít nhiều đã xảy thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh hay những người sinh sống và đến từ các vùng có dịch đang trở thành một câu chuyện đáng suy ngẫm.

Nhiều người không khỏi bức xúc khi bị người khác kỳ thị chỉ vì một lý do đơn giản - mình đến từ vùng dịch. Nhìn lại diễn biến của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở tỉnh liên tục tăng, xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới.

Trước tình hình trên, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Tiền Giang đang ngày đêm căng mình chống dịch. Những lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu vẫn ngày đêm bám chốt, khoanh vùng, truy vết dịch bất kể thời gian. Ngay lúc này đây, điều họ cần là sự động viên, chia sẻ chứ không phải là sự kỳ thị, phán xét. Quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch, trong đó có thực hiện giãn cách, lập các chốt kiểm soát, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc xa cách, kỳ thị.

Những
Những "chiến sĩ" ngày đêm đi tìm vi rút SARS-CoV-2 của Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang luôn nỗ lực để đưa ra kết quả xét nghiệm nhanh nhất.

Nhìn rộng hơn, cả nước đang bước vào cuộc chiến cam go với đại dịch Covid-19, song, trong trận chiến này, chìa khóa để đi đến chiến thắng không nằm ở sự kỳ thị và sợ hãi. Rõ ràng chúng ta đang thực hiện giãn cách, nhưng làm thế nào để không thấy xa cách. Do đó, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, “mục tiêu kép” mà cộng đồng và bản thân mỗi người dân cần thực hiện là chung tay đẩy lùi dịch bệnh và xóa bỏ những kỳ thị.

Vũ khí để chiến thắng đại dịch vào lúc này không nằm ở sự sợ hãi, kỳ thị mà nằm ở ý thức cộng đồng, ở sự chia sẻ, quyết tâm, trách nhiệm và đồng lòng của chính quyền và nhân dân. Điều này sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn, đó là niềm tin chiến thắng đại dịch.

T. Đ

.
.
.